Cách đây 3 năm, bản Tà Lao được xếp vào diện bản nghèo nhất của xã, với 88 hộ đồng bào Vân Kiều sinh sống. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào đốt rừng làm nương rẫy, sống tự cung, tự cấp...
Trước thực tế đó, Chi bộ bản Tà Lao đã giới thiệu chị Hồ Thị Men đảm nhận vai trò Trưởng bản. Chị Hồ Thị Men chia sẻ: Ngày được cấp ủy giới thiệu để dân bầu làm Trưởng bản, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì mình được dân tin tưởng, lo vì không biết mình có gánh vác nổi không. Đã nhiều đêm mình không ngủ được vì lo lắng, trăn trở làm thế nào để cuộc sống người dân được thay đổi..
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Trưởng bản Hồ Thị Men bắt tay vào thực hiện những suy nghĩ của mình. Điều đầu tiên là chị đi học hỏi các thế hệ đi trước đã có kinh nghiệm cách điều hành, sắp xếp các cuộc họp bản, rồi các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến đời sống của đồng bào. Điều gì chưa hiểu là chị tìm hiểu thật kỹ để nắm bắt và trao đổi lại với dân. “Có hiểu đúng thì mới truyền đạt lại cho bà con hiểu được để làm theo, làm đúng…”, chị Hồ Thị Men cho biết.
Theo chị Hồ Thị Men, người Vân Kiều rất coi trọng đến cuộc sống anh em, làng bản vì thế chị luôn quan tâm, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân bản Tà Lao để nhanh chóng giải quyết những công việc trong phạm vi chức trách mà mình được giao. “Phụ nữ làm Trưởng bản cũng có lợi thế riêng đó là sự mềm dẻo, “mưa dầm thấm đất”. Quan trọng nhất, là phải đảm bảo được sự đoàn kết trong làng bản. Khi có sự đoàn kết thì mọi việc có thể dễ dàng giải quyết”, chị Hồ Men chia sẻ kinh nghiệm.
Sau khi xây dựng được khối đoàn kết, chị bắt tay hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. Điều đầu tiên là phải làm thay đổi được tư duy sản xuất của người dân muốn vậy mình là người phải thay đổi đầu tiên. Gia đình chị đã chủ động chuyển đổi cây trồng, tích cực cải tạo những diện tích đất hoang hóa để trồng các loại cây lâm nghiệp như keo, tràm, hồ tiêu… Bên cạnh đó, mở rộng diện tích trồng ngô, trồng sắn, tập trung phát triển chăn nuôi… Sau thời gian ngắn, gia đình chị có thu nhập khá có của ăn, của để, có nhiều rừng, nhiều lợn gà nên được mọi người nể phục.
Thấy gia đình chị Men đi đầu trong chuyển đổi phương thức làm ăn hiệu quả, nhiều hộ bắt đầu làm theo. Điển hình như gia đình anh Hồ La Vươi, với việc phát triển kinh tế theo mô hình VAR; đến nay gia đình anh có hàng chục ha rừng tràm, trâu, dê, bò và gia cầm các loại không kể hết… mỗi năm cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.
Từ cách làm của chị Men, anh Vươi, phong trào phát triển kinh tế hộ được lan tỏa trong bản. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, số hộ khá, giàu chiếm 30 đến 40% số hộ của bản. Chị Hồ Thị Men phấn khởi thông tin: Hạnh phúc và vui nhất là bà con đã theo mình, thay đổi được tư duy sản xuất, không còn cảnh vườn hoang nhà trống nữa, mà ý thức về cuộc sống người dân đã thực sự thay đổi.
Người dân thi đua lao động sản xuất, trẻ em được đến trường, thanh niên trong độ tuổi đều tìm cho mình việc làm phù hợp không còn cảnh trong bản từng tốp tụ tập rượu chè quậy phá nữa… Đặc biệt, những nét văn hóa của người Vân Kiều ở Tà Lao được bảo tồn và phát triển; trong bản không còn gia đình sinh đông con; không có tình trạng tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống…
Từ cách làm của chị Men, anh Vươi, phong trào phát triển kinh tế hộ được lan tỏa trong bản. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, số hộ khá, giàu chiếm 30 đến 40% số hộ của bản.
MINH THỨ