Nếu không trở thành giới tuyến từ cái mốc thời gian 1954 khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, thì chắc dòng Bến Hải cũng lặng lẽ trôi đi như nhiều đời sông khác. Bến Hải vẫn thao thiết nối Trường Sơn hùng vĩ điệp trùng với biển cả mênh mang; cầu Hiền Lương vẫn liền nhịp đôi bờ trên hành trình thiên lý Bắc - Nam. Và hẳn nhiên, sông cũng sẽ không là chỗ đứt, mà đất nước Việt Nam phải mất hai thập kỷ mới hàn gắn được.
Trong cuộc chiến một mất một còn giai đoạn ấy, dòng Bến Hải, cầu Hiền Lương đã thành chứng tích lịch sử, thành điểm nhấn khó phai mờ trong ký ức của cả một dân tộc. Gắn liền với dòng sông huyền thoại ấy, là những câu chuyện cảm động ở vùng giới tuyến; là ý chí quyết tâm, là tha thiết hòa bình, hòa hợp và thống nhất của biết bao con người. Là vĩ tuyến 17, là ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc, nên tự bao giờ, dòng Bến Hải đã trở thành dòng sông khắc khoải một khát vọng sống còn vì hòa bình, hòa hợp và thống nhất.
Một trong những câu chuyện gắn liền với dòng sông khát vọng, là cuộc chiến về màu sơn cây cầu. Cầu Hiền Lương thời giới tuyến có hai màu sơn, phía bên kia muốn thế nhưng ta thì không. Khát vọng thống nhất non sông được chiến sĩ và Nhân dân ta thể hiện bằng hành động rất cụ thể, là phía bên kia sơn cầu màu gì thì phía ta cũng sơn đúng màu đó. Cho nên khi họ sơn màu xanh thì ta sơn màu xanh, họ sơn màu vàng ta sơn màu vàng, họ sơn màu nâu ta cũng sơn màu nâu. Cái này được gọi là “cuộc chiến màu sơn”. Với chúng ta, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi như lời Bác Hồ khẳng định.
Lại nhớ về những đám cưới thời dòng Bến Hải chia cắt. Không ai tìm được tuổi tên cô dâu và chú rể trong đám cưới đầu tiên qua cây cầu Hiền Lương sau ngày 30/4/1975. Nhưng trong những chuyến đi dọc theo đôi bờ sông Bến Hải để tìm lại nhân chứng một thời nơi vùng giới tuyến, chúng tôi tình cờ biết được câu chuyện vợ chồng ông Hoàng Nghi và bà Hoàng Thị Hoa.
Đám cưới của hai người được rước dâu qua cầu Hiền Lương ngày ấy vừa mới được phục dựng lại, ngay sau khi hiệp định Paris 1973 được ký kết chỉ vài tháng và giới tuyến quân sự được chuyển dời vào sông Thạch Hãn.
Tình yêu nảy nở trong mưa bom, bão đạn và khát vọng đoàn tụ càng thêm mãnh liệt. Ông Nghi, bà Hoa đợi mãi cho đến khi hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, thì mới được dắt tay nhau qua cầu Hiền Lương không còn cách trở. Đám cưới của họ đã trở thành thông điệp cho khát vọng đoàn viên, sum vầy, cho hòa bình thống nhất ngay chính trên dòng sông một thời chia cắt.
Ngày ấy, bà con đôi bờ vĩ tuyến đứng thành hai hàng trên cầu vỗ tay, thay cho tiếng pháo đón dâu mừng hạnh phúc. Ông Nghi bảo: Vẫn dòng sông và cây cầu ấy, nhưng không còn cảnh chia ly “cách một con sông mà đó thương đây nhớ/Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Cũng không bên nào phải cầm súng chĩa về phía nhau nữa. Thế là đủ để thấm thía hai từ hòa bình.
Bao câu chuyện huyền thoại gắn với dòng Bến Hải, càng khẳng định thêm cho một khát vọng khắc khoải suốt mấy mươi niên ở vùng đất này. Thời ấy, có những buổi biểu diễn văn nghệ mà sân khấu ở bờ Bắc, còn khán giả là bà con bờ Nam bên kia sông. Bà con đi xem văn nghệ nhưng phải đứng giữa một rừng lưỡi lê, dùi cui và báng súng của cảnh sát. Chỉ cần một cái vỗ tay, một lời xuýt xoa khen, một nụ cười tán thưởng là lập tức bị ăn đòn, thậm chí bị tống giam...
Mỗi lần văn công bờ Bắc biểu diễn là một ngày hội của bờ Nam. Về sau, địch ra lệnh cấm dân kéo ra sông xem mỗi khi có văn nghệ. Bà con bờ Nam nghĩ đủ cách để thưởng thức lời ca điệu múa bên kia. Với đàn ông, họ tháo tranh lợp nhà từ chiều hôm trước, lúc văn nghệ biểu diễn, thì leo lên mái, lấy lý lợp lại nhà, nhưng cốt để nhìn sang bên kia. Với các mẹ, các chị thì soạn những áo quần, lưới, mang thau chậu ra bờ sông để giặt, phơi. Tay giặt mà mắt nhìn: “Đem áo ra sông mà giặt - Áo mòn, dạ vẫn trinh nguyên/ Đem lưới xuống bến mà phơi - Lưới khô, mắt thì đẫm huyết” là vậy.
Bà con bờ Nam muốn nhắn tin với người thân bờ Bắc, chỉ có thể đứng bên sông dùng ám hiệu: Hai cánh tay quặt ra phía sau là muốn nói rằng có người vừa bị bắt; đầu vấn khăn tang, hai tay úp mặt là báo người thân vừa mới qua đời...
Ðám tang ở vùng giới tuyến thời ấy cũng kỳ lạ không kém. Có đến “bốn đoàn” đưa tiễn. Đấy là hai đoàn người song song ở bờ Bắc và bờ Nam. Bóng hai đoàn soi xuống dòng sông làm thành hai đoàn nữa.
Khát vọng sống còn vì hòa bình, hòa hợp và thống nhất ở miền giới tuyến, ở dòng Bến Hải đã trở thành biểu tượng một thời của cả dân tộc anh hùng.
Hôm nay, cầu Hiền Lương là trung tâm của cụm Di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt của cả nước. Hàng năm, có một nghi lễ rất đỗi trang trọng, thiêng liêng được tổ chức ở đây - Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” và thả chim bồ câu ước nguyện hòa bình. Nghi lễ ấy như nhắn nhủ thêm với hậu thế và lương tri nhân loại về một khát vọng hòa bình luôn rực cháy ở miền giới tuyến.
Đời sông. Đời người. Bến Hải - Hiền Lương. Đâu dễ nói hết những tầng nông sâu dâu bể. Chiến tranh - Hòa bình. Loạn lạc - Đoàn tụ. Đời thực - Huyền thoại. Mỗi người dân Quảng Trị và cả dân tộc Việt Nam đang mang trong mình những ký ức và khát vọng sống.
Ký ức càng sâu thẳm bao nhiêu, thì khát vọng càng mãnh liệt bấy nhiêu. Khát vọng hòa bình và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam, cho mỗi người đang sống trên mảnh đất này. Đấy cũng chính là khát vọng của một dòng sông…