Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Sức vươn lên ở miền Tây Trà Bồng: Qua rồi thời... gian khó (Bài 1)

T.Nhân - 07:07, 11/04/2024

Vùng đất miền Tây huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), trước đây là huyện Tây Trà được thành lập vào ngày 1/12/2003 trên cơ sở một phần diện tích và dân số của huyện Trà Bồng. Sau 17 năm được “ra riêng”, đến ngày 1/2/2020, huyện Tây Trà lại sáp nhập vào huyện Trà Bồng. Mỗi lần tách – nhập, cuộc sống của người dân ở vùng đất miền tây của huyện này lại bị đảo lộn, chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong triển khai các kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo. Thế nhưng, vượt qua những khó khăn đó, miền Tây Trà Bồng nay đã ổn định và mang sức sống mới.

Mỗi mùa thu hoạch đót giúp người dân miền Tây Trà Bồng có khoảng thu nhập kha khá
Mỗi mùa thu hoạch đót giúp người dân miền Tây Trà Bồng có khoản thu nhập kha khá

Bộn bề sau sáp nhập

Còn nhớ, cách đây chừng 3 năm, khi Tây Trà mới sáp nhập lại với huyện Trà Bồng, chúng tôi có dịp về lại vùng đất miền tây của huyện này. Cảnh vật lúc bấy giờ là những con đường vắng hoe, những ngôi nhà nằm trơ trọi dưới cái nắng bỏng rát, thôn làng mang một vẻ buồn hiu quạnh. Từ ngày nhập về Trà Bồng, nhiều trụ sở làm việc bị bỏ hoang lãng phí; công trình, dự án đang thi công cũng dừng lại, khiến nơi đây như một “bãi chiến trường”.

Sau sáp nhập, việc giải quyết các thủ tục hành chính, khám chữa bệnh, học hành của con trẻ... tất cả đều bị đảo lộn. Theo người dân miền Tây Trà Bồng, từ ngày nhập huyện, mặc dù có tổ công tác tiếp nhận thủ tục để mang về huyện Trà Bồng giải quyết, có cán bộ y tế trực đón tiếp người bệnh tại bệnh viện...,nhưng thực tế vẫn có rất nhiều khó khăn so với ngày chưa sáp nhập. 

Đó là chưa kể tới tình trạng thiếu đất sản xuất kéo dài ở các thôn, làng chưa được giải quyết triệt để, người lao động không có việc làm vẫn còn nhiều… Những bất cập này đã khiến cuộc sống của người dân khó khăn muôn phần.

Tâm sự với chúng tôi, già làng Hồ Văn Bênh ở làng Gấm, thôn Trà Ong, xã Sơn Trà bộc bạch: Mỗi lần chia tách hay sáp nhập, là cuộc sống của người dân lại đảo lộn. Nhưng mọi chuyện cũng đã qua rồi, người dân cũng đã quen với cuộc sống mới và đi vào ổn định. Chúng tôi mong Đảng, chính quyền, cấp trên tiếp tục quan tâm hơn nữa đến đời sống người dân nơi đây; đặc biệt là chỉ bảo, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế để thoát nghèo, tạo điều kiện cho con em người Co học hành đến nơi, đến chốn.

Đường về miền Tây Trà Bồng
Đường về miền Tây Trà Bồng

Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng chia sẻ: Chính quyền cũng đồng cảm với những khó khăn của người dân. Bởi khi sáp nhập, mọi cái đều phải sắp xếp lại nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Những năm qua, huyện đã rất nỗ lực bố trí lại đất sản xuất cho những hộ dân thiếu đất và bị ảnh hưởng bởi dự án. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung đầu tư các công trình phục vụ dân sinh, ổn định cuộc sống cho người dân.

Thời gian qua, huyện huy động các nguồn lực, trong đó có vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, ngân sách huyện, chương trình theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và các chương trình mục tiêu khác để đầu tư, phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng phía Đông và phía Tây của huyện, như kết nối xã Trà Nham cũ với xã Trà Tân; xã Trà Bùi lên xã Trà Trung cũ; Trà Hiệp đi Trà Thanh. 

"Đặc biệt, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông ở xã Trà Bùi theo định hướng của huyện đến năm 2030, là phát triển khu du lịch sinh thái Cà Đam ở địa phương này”, ông Sương chia sẻ thêm.

Khó khăn lùi lại phía sau

 Sau 4 năm “về chung một nhà”, đến nay những khó khăn đã vơi bớt đi, vùng đất khó đang chuyển mình, những điều tốt đẹp như những mầm xanh đang vươn lên trên vùng đất khó. Gặp lại chị Hồ Thị Đang, ở thôn Hà Riềng, xã Trà Phong, gương mặt chị đã tươi vui hơn nhiều so với 4 năm trước đây. 

Chị Đang tâm sự: Khi mới sáp nhập huyện, nhà mình có mấy mảnh ruộng thì bị thu hồi làm hồ chứa nước Nước Trong gần hết. Số diện tích còn lại nước hồ dâng cao đã ngập úng hết. Nước dâng ngập chết hết cả lồ ô. Không biết làm gì để sinh sống. Sau một thời gian, Nhà nước quan tâm hỗ trợ cấp đất sản xuất, cho vay vốn nên giờ cuộc sống đỡ khó khăn hơn nhiều.

Cây lồ ô giúp người dân miền Tây Trà Bồng có thu nhập ổn định
Cây lồ ô giúp người dân miền Tây Trà Bồng có thu nhập ổn định

Được biết, không riêng gì gia đình chị Đang, gần 100 hộ dân thôn Hà Riềng khi đó cũng không có việc làm, cuộc sống khó khăn vô cùng. Chị Hồ Thị Tình, một người dân trong thôn chia sẻ: Thời gian đầu, ruộng, rẫy Nhà nước thu hồi, không còn đất để sản xuất. Người dân chúng tôi không làm ruộng, làm rẫy thì cũng chẳng biết làm gì. Thế rồi, được Nhà nước cấp lại đất sản xuất và hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi việc làm, nhờ vậy sống người dân đã dần ổn định.

Đường về Tây Trà vẫn xa ngái, dốc ngược, quanh co giữa những cánh rừng già bạc ngàn. Tuy nhiên, khi qua khỏi đỉnh đèo Eo Chim khung cảnh đã trở nên nhộn nhịp hơn. Bây giờ đã là cuối mùa thu hoạch đót nhưng hai bên đường, trên sườn đồi... chỗ nào có ánh nắng chiếu đến là nơi ấy có đót. Cảnh mua bán đót, mua bán nông sản và những lâm sản phụ diễn ra nhộn nhịp.

Chị Hồ Thị Thôi, ở thôn Hà, xã Sơn Trà chia sẻ: Năm nay, giá đót cao hơn vụ trước. Mỗi kg đót có giá 4.500 đồng. Nhà mình 2 người đi hái đót, đến hết vụ cũng được chục triệu đồng. Số tiền này để trang trải cuộc sống và cho hai đứa con đi học.

Đường về các xã miền Tây Trà Bồng đã được đầu tư xây dựng bài bản
Đường về các xã miền Tây Trà Bồng đã được đầu tư xây dựng bài bản

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai loại cây chủ lực mang lại thu nhập cho người dân miền Tây Trà Bồng, là lồ ô và keo. Dọc các ngả đường, lồ ô và keo được người dân thu hoạch, chất thành từng đống đợi thương lái. Anh Hồ Văn Quây, ở xã Sơn Trà cho biết: Mình lên rẫy chặt lồ ô mấy ngày nay, vác xuống đường, chất sẵn, đợi người đến mua. Với giá tầm 10 nghìn đồng mỗi cây, mình cũng có khoảng thu nhập kha khá.

Tại xã Trà Phong, chúng tôi bắt gặp cảnh mua bán nhộn nhịp. Trà Phong là trung tâm thương mại phục vụ cho cả vùng gồm 6 xã miền Tây Trà Bồng với đầy đủ các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các cửa hàng kinh doanh như một khu chợ thu nhỏ, mở cửa từ sáng sớm đến tận đêm khuya, phục vụ rau xanh, hoa quả, thực phẩm, quần áo, giày dép, nông cụ... 

Dọc theo cung đường qua khu vực trụ sở huyện Tây Trà cũ, các hàng quán, nhà cửa của người dân được xây dựng khang trang. Đó là những minh chứng về sức sống mới ở vùng đất khó miền Tây Trà Bồng...

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.