Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ngôi trường của những tấm lòng

PV - 16:07, 18/05/2018

Hơn 20 năm gieo chữ giữa đại ngàn, nhìn cảnh học trò học chữ trong phòng học tranh tre nứa lá, thiếu ăn, đói mặc, cô Ngô Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Trà Nham, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) đã không trông chờ vào ngân sách nhà nước mà nghĩ ra cách “xin” tiền hỗ trợ xây trường cho trò nghèo thông qua mạng xã hội facebook.

Hết lòng vì học sinh nghèo

Từ TP. Quảng Ngãi, chúng tôi vượt qua hơn 70km đường đèo dốc trập trùng và vượt thêm 10km đường đất đá lởm chởm để đến nơi khó khăn nhất của huyện Tây Trà là xã Trà Nham. Trường Tiểu học xã Trà Nham nằm vắt vẻo trên đỉnh núi cao quanh năm bao phủ sương mù. Đây là nơi học của gần 300 em học sinh người dân tộc Cor.

Cô giáo Ngô Thị Hoa cùng các em học sinh trong lớp học được xây dựng từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Cô giáo Ngô Thị Hoa cùng các em học sinh trong lớp học được xây dựng từ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

 

Ông Hồ Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Trà Nham cho hay, trước đây ngôi trường này chỉ là những dãy nhà lợp tranh, vách dựng bằng tre nứa ọp ẹp. Mùa nắng, học sinh ngồi trong lớp nhìn thấy mặt trời còn mùa mưa thì nước chảy lênh láng. Các cháu học sinh rất khổ sở nhưng vì điều kiện của địa phương đành bất lực. Từ ngày cô Hoa vận động được các nhà tài trợ để xây trường, các cháu đã có chỗ học tốt hơn nhiều.

Theo chân cô Hoa, chúng tôi đến dãy phòng học được dựng bằng tôn khang trang, sạch sẽ, trần nhà được trang bị lớp xốp chống nóng vào mùa hè và giữ nhiệt vào mùa đông cho học sinh, để nghe cô Hoa kể về những tháng ngày bám trường, bám lớp. Nay là năm thứ 24 cô Hoa gieo chữ trên non và đã 21 gắn bó với mái trường này. Cảnh các trò học chữ trong những phòng học tre nứa lá cũ nát, nắng rọi rát mặt, mưa nước tạt ướt cả cô lẫn trò, học trò thiếu ăn, đói mặc đã làm cô trăn trở mãi, nhưng đành bất lực.

Hai năm trước, khi mạng xã hội phủ sóng khắp nơi, cô Hoa chợt nghĩ ra cách lên facebook kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ trò nghèo. Hình ảnh ghi lại về cảnh khốn khó của học sinh đã “lên sóng”, nhận được sự đồng cảm, sẻ chia từ đông đảo người dùng. Nhiều bao quần áo cũ, sách vở đã đến với học sinh. Chương trình “Cơm có thịt” đã hỗ trợ cho mỗi em 10.000 đồng/ngày. Các mạnh thường quân đã hỗ trợ cho trường để làm con đường bê tông lên trường.

May mắn gõ cửa một lần nữa khi có mạnh thường quân tiếp tục hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để xây 7 phòng học khang trang. Cô Hoa cùng các thầy, cô giáo tiếp tục lên facebook vận động được 800 triệu đồng xây nhà vệ sinh, sân trường, nhà ăn bán trú, công trình nước sạch.

“Khi xây dựng các công trình, giáo viên đi từng nhà vận động phụ huynh góp công. Họ đã cho của thì mình góp công. Ngày nhìn trường lớp khang trang, các thầy cô giáo mừng đến rơi nước mắt”, cô Hoa tâm sự.

Khi đã có được ngôi trường khang trang, nhìn cảnh các em học sinh vẫn còn quá thiếu thốn, cô Hoa và các thầy cô giáo lại tiếp tục “đi xin” áo mưa, mũ dép, dụng cụ học tập... Cô Hoa bảo: Nhiều khi cũng ngại lắm, nhưng rồi thấy các em như thế mình không đành. Mong rằng các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ để các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Không chỉ là dạy chữ

Hết lòng vì sự nghiệp gieo chữ trên non cao, cô Hoa luôn tâm niệm: Trường học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi dạy trẻ làm người, dạy trẻ sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Cô đã dạy trẻ bằng cả trái tim. Cô Hoa cho rằng: Để giáo dục được lối sống nền nếp với học sinh vùng cao là vô cùng gian nan, vì các em đã quen với cách sinh hoạt của gia đình. Từ kinh nghiệm giảng dạy và tâm huyết, cô và các thầy cô giáo đã quyết tâm tạo dựng, hình thành các kỹ năng sống, sinh hoạt, giao tiếp để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Để học sinh nghe theo, làm theo, trong tất cả các hoạt động trên lớp cũng như sinh hoạt bán trú ở trường, các thầy cô giáo luôn làm gương, ra tay thực hành trước, học sinh làm theo sau, tạo thành thói quen. Cô Hoa Tâm sự: Việc tập cho các em thói quan vệ sinh cá nhân sạch sẽ và các kỹ năng sống không chỉ giúp cho bản thân các em mà về nhà các em còn “dạy” lại cho cả nhà nếp sống ăn ở vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.