Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sức trẻ Rào Tre

Thanh Hải - 07:37, 06/11/2024

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất còn nhiều khó khăn, nhưng những thanh niên người Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hôm nay đang mang trong mình khát vọng và hoài bão lớn bằng nỗ lực không ngừng trên con đường lập thân lập nghiệp. Lý tưởng của lớp trẻ đã góp phần làm nên sức sống mới ở bản Rào Tre.

Diện mạo mới ở bản Rào Tre
Diện mạo mới ở bản Rào Tre

Sau hàng chục năm về định cư dưới chân núi Ka Đay thuộc bản Rào Tre, cộng đồng người Chứt hãy còn rất khó khăn. Dẫu đã có một phần ruộng nước khai hoang, có đất trồng keo; người dân cũng đã biết chăn thả trâu, bò, lợn, gà và trồng rau quanh nhà…; có thêm những hỗ trợ sinh kế từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến hơn 90%.

Lớn lên trong bối cảnh ấy, lại được tiếp thu nhiều kiến thức mới; những thanh niên người Chứt đang nuôi hoài bão lớn bằng chính nghị lực không mệt mỏi của bản thân.

Người đầu tiên có thể kể đến là nữ thanh niên Hồ Thị Sương. Ấy là cô gái giàu nghị lực, là chị cả của 4 chị em, nhưng sớm chịu cảnh thiệt thòi khi thiếu vắng tình cảm của cha. Sương trải lòng: Cuộc sống quá khó khăn nên ban đầu em không dám ước mơ mình sẽ học tiếp lên đại học, chỉ nghĩ rằng sẽ học nghề gì đó để có tiền phụ mẹ nuôi em ăn học. Nhưng, được thầy cô, các chú bộ đội định hướng và trong những lần về thăm nhà, nhìn các em nhỏ vui chơi ở bản, em thực sự khao khát trở thành cô giáo để có thể đưa những kiến thức đến với các em nơi đây.

Bản Rào Tre thật tự hào khi có những thanh niên là thế hệ người Chứt đầu tiên thi đỗ đại học. Rồi đây, những đứa trẻ trong bản cũng sẽ theo chân người đi trước, về thành phố học tập, trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương và làm rạng danh bản làng!”.

Bà Hồ Thị Kiên, Trưởng bản Rào Tre

Đã có mục tiêu, Sương càng quyết tâm hơn. Và quả ngọt đầu tiên đã đến với cô gái trẻ người dân tộc Chứt khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Sương xuất sắc đạt được 22,88 điểm khối M01 (Ngữ văn; năng khiếu đọc diễn cảm, kể chuyện; năng khiếu hát, nhạc).

Nối tiếp Sương, Hồ Viết Đức (2005) cũng đã rời bản, trở thành sinh viên đại học thứ 2 của tộc người này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2024, Đức đã ghi tên mình vào Trường Đại học Hà Tĩnh với số điểm 20,65.

Hành trình đi tìm con chữ của Đức cũng không hề xuôi chèo mát mái như chúng bạn, khi gia cảnh của em là bố mất sớm, mẹ thường xuyên đau ốm. “Chỉ có học, có kiến thức thì mới thay đổi được hoàn cảnh. Vì điều ấy mà em đã nỗ lực hơn trong học tập”, Đức tâm sự.

Và câu chuyện về sự nỗ lực vượt khó của Hồ Viết Đức cũng đã trở thành nguồn cảm hứng lớn cho các em nhỏ nơi bản làng xa xôi của người Chứt dưới chân núi Ka Đay.

Kể về những thanh niên trẻ này, nữ Trưởng bản Hồ Thị Kiên vui mừng nói: Bản Rào Tre thật tự hào khi có những thanh niên là thế hệ người Chứt đầu tiên thi đỗ đại học. Rồi đây, những đứa trẻ trong bản cũng sẽ theo chân người đi trước, về thành phố học tập, trưởng thành, góp sức xây dựng quê hương và làm rạng danh bản làng!

Không vượt ra khỏi bản làng bằng con đường theo học lên cao, nhưng với những bạn trẻ như Hồ Thị Kiên (1988), Hồ Thị Duyên (1995), Hồ Thị Khuyên (2000)… cũng là những tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, dám thử thách, dám thay đổi và không ngừng nỗ lực vươn lên.

 Hồ Viết Đức (người ngồi) đang viết tiếp khát vọng của những người trẻ ở Rào Tre khi đỗ đại học
Hồ Viết Đức (người ngồi) đang viết tiếp khát vọng của những người trẻ ở Rào Tre khi đỗ đại học

Hồ Thị Kiên là nữ Trưởng bản được bà con dân tộc Chứt tín nhiệm bầu chọn khi mới 27 tuổi. Cũng bởi Kiên nói được, làm được mà người dân ở Rào Tre đã phá lệ chọn cô cho chức vụ “vác tù và hàng tổng”, thay vì chọn nam giới như trước. Còn Hồ Thị Duyên và Hồ Thị Khuyên được mẹ là một đảng viên đầu tiên của người Chứt - bà Hồ Thị Nam dìu dắt, động viên… để sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Những con người như Sương, Đức…; rồi Kiên, Duyên, Khuyên… như là minh chứng cho một thế hệ người Chứt đang thay đổi nhận thức và suy nghĩ; chịu khó và nỗ lực để vươn lên khẳng định bản thân.

Chỉ nay mai thôi, khi những sinh viên như Hồ Thị Sương, Hồ Viết Đức ra trường, trở về công tác tại địa phương, như niềm mong mỏi và tâm nguyện của các em trước ngày lên giảng đường, chắc hẳn sẽ có một lớp thế hệ trẻ người Chứt kế tiếp mang khát vọng đổi thay bản làng bước tiếp những phần việc dở dang của lớp người đi trước.

Rồi những nữ đảng viên trẻ tuổi như Kiên, Khuyên, Duyên cũng đang tràn đầy sức trẻ trên hành trình lập thân, lập nghiệp ngay chính trên quê hương bản Rào Tre. Cho dù là đứng lên ở vị trí nào; trưởng thành trong hoàn cảnh nào, thì những người trẻ ở Rào Tre vẫn chưa bao giờ thôi khát vọng xây dựng bản làng no ấm, phát triển. Và chúng tôi gọi đó là sức trẻ Rào Tre.

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.