Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sức bật từ một Nghị quyết

Trọng Bảo - 10:49, 16/02/2021

Đã từng công tác ở vùng cao Si Ma Cai từ những ngày đầu tái lập huyện (9/2000), nhưng mỗi lần tôi có dịp trở lại, là mỗi lần tôi có thêm cảm nhận về sự đổi thay phát triển của vùng đất này. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Si Ma Cai chính là Nghị quyết số 22 của Tỉnh ủy Lào Cai “Về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020”...

Hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu từ nguồn hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc theo Nghị quyết 22.
Hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo vươn lên làm giàu từ nguồn hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc theo Nghị quyết 22.

Hiện thực hóa Nghị quyết vì đồng bào

Từ thực tiễn, đồng bào có cơm no, áo mặc, thoát được cái nghèo thì làm việc gì cũng dễ. Đây chính là lý do Nghị quyết 22 khi triển khai đã tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Với đặc thù địa lý, thổ nhưỡng, thói quen trong chăn nuôi, sản xuất, kinh tế mũi nhọn được huyện lựa chọn để hỗ trợ người dân là chăn nuôi trâu, bò.

Ông Thào Seo Lừ, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Chúng tôi tập trung vào phát triển chăn nuôi trâu, bò vì đây là hai loại gia súc phù hợp với khí hậu lạnh và cũng không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật. Tại xã Cán Cấu vào thứ Bẩy hằng tuần, có phiên chợ gia súc được đánh giá là lớn nhất vùng Tây Bắc; mỗi phiên chợ hàng trăm con trâu, bò được mua bán, trao đổi. Đây là một yếu tố quan trọng giải quyết đầu ra sản phẩm chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập cao cho bà con”.

Cách đây vài năm, hộ gia đình chị Vàng Thị Pẩn, thuộc diện hộ nghèo của xã Nàn Sán. Năm 2017, gia đình chị được hỗ trợ vốn để mua 1con trâu sinh sản theo Nghị quyết 22. Nhờ chăm sóc tốt đến nay, gia đình chị đã có đàn trâu 4 con trị giá gần 2 trăm triệu đồng.

“Được sự hỗ trợ của Nhà nước nên gia đình mới có đủ tiền để mua trâu sinh sản; vừa có sức kéo để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cuối năm 2018, gia đình đã thoát nghèo. Năm nay, gia đình đón Tết đầy đủ và khấm khá hơn trước rất nhiều”, chị Pẩn phấn khởi tâm sự.

Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, việc đưa các loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, có giá trị kinh tế cao ngày càng được đẩy mạnh trên địa bàn. Bắt đầu từ những gốc cây ăn quả, rau trái vụ, rồi sau đó là những loại cây có thể thu về tiền tỷ trên mỗi ha như đương quy, tam thất đã thu hút ngày càng nhiều hộ gia đình tham gia.

Tiền đề phát triển bền vững

Đặc biệt từ năm 2018, theo Quyết định số 31 ngày 23/10/2018 của UBND tỉnh là chuyển 1,5 tỷ đồng, trong tổng số 2 tỷ đồng hỗ trợ mỗi xã theo tinh thần Nghị quyết 22 trước đây sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để hỗ trợ người dân theo hình thức cho vay, hiệu quả của nguồn hỗ trợ đã được nâng lên rõ rệt.

Cây đương quy là một trong những cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân Si Ma Cai.
Cây đương quy là một trong những cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân Si Ma Cai.

Ông Dương Đức Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Si Ma Cai chia sẻ, Ngân hàng chính sách phối hợp với Phòng Nông nghiệp hướng dẫn bà con xây dựng các dự án đúng theo quy định. Các cây, con đưa vào dự án phải phù hợp với đặc thù của từng xã và phải bảo đảm đầu ra lâu dài cho bà con.

“Đặc biệt, muốn bà con thoát nghèo, phải thay đổi nhận thức ngay cả trong cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con, trong việc chuyển từ nguồn vốn cho không sang nguồn vốn cho vay, như vậy bà con mới lo lắng bảo đảm phát triển kinh tế bền vững”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Đến với Si Ma Cai vào thời điểm cuối Đông, sang Xuân. Đây là thời điểm khí hậu khô khát, nhưng không khó để thấy những nương đồi xanh mướt cỏ voi, những ruộng trồng rau vụ Đông xanh mát mắt. Thành quả này là từ việc lựa chọn các loại giống cây, con đúng và trúng đã tạo sinh kế giúp hàng nghìn hộ gia đình nâng cao thu nhập.

Ông Lý Xuân Thành, Phó Chủ tịch huyện Si Ma Cai cho biết: Huyện Si Ma Cai có trên 90% dân số là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mông chiếm 75%. Toàn huyện có 9 xã và 1 thị trấn, thì có 5/10 xã, thị trấn thuộc diện xã ĐBKK. Có thể nói, Nghị quyết 22 là “cú huých” tạo đà để Si Ma Cai phát triển, bứt phá trong việc nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc trong huyện.

“Si Ma Cai đang dần trở thành vùng trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế như đương quy, tam thất cho người nông dân thu nhập hàng trăm triệu đồng trên mỗi héc ta. Bên cạnh đó, đàn gia súc của huyện đến nay đã đạt trên 21 nghìn con… Tỷ lệ hộ nghèo từ 57% năm 2015 xuống còn 12,35% năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/người/năm, vượt 11,5 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết”, ông Thành nhấn mạnh.

Mục tiêu cơ bản mà Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy Lào Cai đặt ra đó là, hỗ trợ nguồn lực, giúp người dân trên địa bàn có điều kiện áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập để mỗi năm Si Ma Cai có thể giảm được từ 7 đến 10% số hộ nghèo. Theo đó, riêng Dự án đầu tư và phát triển chăn nuôi huyện Si Ma Cai giai đoạn 2015-2020 đã được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt, có tổng kinh phí đầu tư là 517 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.