Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp
Trước đây, với diện tích hơn 1 nghìn mét vuông đất nương, gia đình anh Lừu Seo Thống ở thôn Say Sáng Phìn, xã Mản Thẩn chủ yếu trồng cây ngô. Quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, gặp thời tiết không thuận lợi, nguy cơ mất mùa rất cao, thiếu đói luôn thường trực. Hai năm trở về đây, anh Thống mạnh dạn đưa cây rau trái vụ vào trồng, chủ yếu là cây bắp cải thu nhập đã tăng gấp 6-7 lần so với trồng cây ngô truyền thống. Nhờ trồng rau mà gia đình có điều kiện làm lại nhà mới, mua được xe máy, ti vi... không còn lo cái đói, cái nghèo nữa”, anh Thống tâm sự.
Do đặc thù là huyện có khí hậu mát mẻ nên cây bắp cải ở Si Ma Cai có thể trồng vào khoảng tháng 5, tháng 6, vì vậy không có sự cạnh tranh với các tỉnh miền xuôi, lại tránh được sâu bệnh nên không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Tận dụng điều kiện thuận lợi này, huyện đã vận động bà con chuyển đổi, mở rộng diện tích cây rau trái vụ. Đến nay, toàn huyện đã có hơn 50 ha rau trái vụ được bà con đưa vào gieo trồng mang lại thu nhập cao cho người dân.
Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết, nhiều năm qua, cây trồng chính của người dân vẫn là cây ngô, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Thời gian gần đây, huyện chủ trương đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài cây rau màu trái vụ, một trong những cây trồng vật nuôi được huyện đang đưa vào nuôi trồng đó là, chăn nuôi đại gia súc, chủ yếu là trâu và bò.
Hiệu quả rõ rệt
Ông Hiệp thông tin, riêng Dự án phát triển chăn nuôi đàn gia súc huyện Si Ma Cai giai đoạn 2015-2020, có tổng kinh phí đầu tư là 517 tỷ đồng. Nguồn vốn được cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội. Mức cho vay không thế chấp, thấp nhất 50 triệu đồng, cao nhất 500 triệu đồng/hộ, thời gian vay 36 tháng. Chính vì cơ hội tiếp cận vốn làm ăn mở ra như vậy nên đến nay, toàn huyện đã có thêm 1.400 con trâu, bò theo dự án chăn nuôi, nâng tổng đàn gia súc của huyện lên 38.000 con.
Ðể bảo đảm nguồn thức ăn, Trung tâm Khuyến nông huyện đã khảo nghiệm, sau đó đưa vào trồng đại trà giống cỏ voi VA-06 cho năng suất hơn 100 tấn/ha, hàm lượng dinh dưỡng cao gấp bốn lần cỏ thường, có thể sinh trưởng trong giá rét. Khi người dân đã chủ động nguồn thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi, thì đây là mũi nhọn phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân vùng cao.
“Trên địa bàn huyện hiện có tổng đàn bò có hơn 6.000 con, tăng gấp đôi so với năm 2014. Đàn trâu của huyện cũng đang tăng lên theo từng năm. Ở Si Ma Cai có chợ Cán Cấu là một trong những chợ trâu lớn nhất miền Bắc. Đồng bào trong huyện có truyền thống mua trâu gầy về, sau đó chăm sóc, nuôi dưỡng, vỗ béo rồi mang ra chợ bán. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ mô hình này”, ông Hiệp cho biết thêm.
Ông Trương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm, để xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn, huyện tập trung vào 4 nhóm chính, cụ thể: Chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả ôn đới, trồng cây dược liệu và trồng rau trái vụ. Đây là những hướng đi mà huyện đã, đang và sẽ tiếp tục làm. Cùng với đó, làm sao để nâng cao những sản phẩm đặc hữu và xây dựng thương hiệu nâng cao giá trị sản phẩm.
“Những định hướng, các giải pháp phát triển kinh tế đang được địa phương triển khai mấy năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thậm chí đứng đầu tỉnh với tỷ lệ bình quân mỗi năm huyện giảm được từ 9-10% hộ nghèo. Nếu như năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới toàn huyện là 57% thì dự kiến cuối năm 2018 này sẽ chỉ còn 24%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 từ 9 triệu đồng/người/năm, đến nay đã là 25 triệu đồng/người/năm”, ông Trương Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch huyện cho biết.
TRỌNG BẢO