Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sửa Luật Phòng, chống mua bán người: Bổ sung quy định nghiêm cấm mua bán bào thai

PV - 11:35, 13/08/2024

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Sáng 13/8, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Đây là dự thảo Luật đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về khái niệm nạn nhân, có ý kiến đại biểu đề nghị trường hợp người bị mua bán có sự đồng thuận để người khác mua bán mình thì không coi là nạn nhân của mua bán người.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định của dự thảo Luật, trường hợp mua bán người dưới 18 tuổi kể cả có sự đồng thuận của nạn nhân thì vẫn coi là mua bán người, do người dưới 18 tuổi còn chưa phát triển đầy đủ về nhận thức nên sẽ được pháp luật bảo vệ cao hơn.

Còn trường hợp mua bán người hơn 18 tuổi mà có sự đồng thuận thì Luật này không coi là mua bán người, do yếu tố thủ đoạn (dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt) là yếu tố bắt buộc trong hành vi mua bán người. Do có sự thay đổi về khái niệm nạn nhân nên dự thảo Luật đã được bổ sung 1 điều quy định chuyển tiếp để xử lý trường hợp này.

Bà Nga cũng cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định trẻ em được sinh ra bởi nạn nhân bị mua bán cũng là nạn nhân. Theo Thường trực Ủy ban Tư pháp, trên thực tế nhiều trường hợp trẻ em được sinh ra trong thời gian người mẹ bị mua bán. Các trẻ em này không thuộc đối tượng trực tiếp của hành vi mua bán người, trừ trường hợp thỏa thuận mua bán cháu bé từ khi còn trong bào thai.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính nhân đạo và bảo vệ quyền trẻ em, dự thảo Luật đã có quy định hỗ trợ người dưới 18 tuổi đi cùng nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân như hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, y tế, tâm lý, chi phí đi lại, hỗ trợ pháp luật, phiên dịch.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Quang cảnh Phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Về hành vi mua bán bào thai, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật (giải thích hành vi mua bán người) để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai.

Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, bào thai chưa được xác định là con người nên việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế đang diễn ra tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra và việc thỏa thuận mua bán này là tiền đề của hành vi mua bán người.

Vì vậy, để bảo đảm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, phúc đáp yêu cầu thực tiễn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Điều 3 của dự thảo Luật được bổ sung 1 khoản (khoản 2) quy định về hành vi bị nghiêm cấm: “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Dự thảo cũng được bổ sung 1 khoản (khoản 4) vào Điều 35 quy định đối tượng được bảo vệ là: “Cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân” để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và khuyến khích họ tham gia công tác phòng chống mua bán người.

Về phạm vi bảo vệ đối với người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng không phải người thân thích nào cũng được áp dụng biện pháp bảo vệ, mà chỉ những người bị xâm hại, đe dọa xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản mà có liên quan vụ việc mua bán người thì mới được bảo vệ theo Luật này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã được bổ sung 1 khoản (khoản 4) vào Điều 36 quy định về phạm vi bảo vệ đối với người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân.

Sau khi hoàn thiện, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.