Theo các đại biểu, nguồn thu nhập chính của các nhóm DTTS vẫn từ nông nghiệp (chiếm hơn 63% tổng thu nhập của các hộ gia đình DTTS). Đất đai là một trong những yếu tố quyết định đến đời sống của đồng bào DTTS. Chính sách đất đai ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là cơ hội để giải quyết một số vấn đề bất cập về quản lý sử dụng đất đai, trong đó có vấn đề đất ở, đất sản xuất của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bà Cao Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: Sửa đổi Luật Đất đai chính là cơ hội quý để tháo gỡ vướng mắc, bất cập kéo dài trong nhiều năm qua về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS một cách căn bản cơ nhất.
Để xây dựng Luật Đất đai một cách sâu sát, phù hợp với thực tế, rất cần có số liệu thống kê cụ thể về diện tích đất đai bà con đang sử dụng, hệ số sử dụng đất ở từng vùng miền, từng dân tộc. Từ đó các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn đại biểu Thừa Thiên Huế đề nghị: Chúng ta cần phải biết tỷ lệ hộ DTTS chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất, đất ở ứng với từng địa bàn để có sự điều phối, sắp xếp của Nhà nước.
Tại buổi tham vấn, các đại biểu cũng đề xuất nhiều ý kiến, kiến nghị về quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng giao cho cộng đồng dân cư; quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất…