Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Sống thấp thỏm dưới chân núi lở

Việt Thắng - Y Nguyên - 21:39, 24/05/2023

Mặc dù đã được đầu tư gần 50 tỷ đồng để khắc phục tình trạng sạt lở, nhưng hễ mưa lớn, là bà con lại phải bồng bế nhau sơ tán. Đó là tình cảnh thấp thỏm của một số hộ dân ở khối 4, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Khu vực đã được xử lý, xây bờ kè và rọ đá nhưng vẫn tiếp tục xảy ra sạt lở
Khu vực đã được xử lý, xây bờ kè và rọ đá nhưng vẫn tiếp tục xảy ra sạt lở

Mưa là… chạy

Ven Quốc lộ 7A, dưới một ngọn núi khá cao, thuộc khối 4, thị trấn Mường Xén, một số hộ dân đã dựng nhà sinh sống từ hàng chục năm về trước. Việc sạt lở núi đã xảy ra nhiều lần, nhưng nghiêm trọng nhất là vào năm 2018. Mưa lớn dài ngày, trên núi xuất hiện nhiều vết nứt gây sạt lở đất, khiến hàng trăm khối đất đá ập xuống làm đổ sập nhiều tường nhà dân.

Ông Phan Văn Long, một hộ dân sống ở đây cho biết, hễ cứ có mưa lớn là các gia đình lại phải khăn gói đi sơ tán vì sợ sạt lở. “Cứ có mưa lớn là đất, đá ào ào trượt xuống, rất nguy hiểm. Chúng tôi sống ở đây luôn thấp thỏm, phía sau nhà thì núi sạt, phía trước thì sông Nậm Mộ lở vào”, ông Long nói.

Đúng như lời ông Long, Quốc lộ 7A ngay trước nhà dân cũng bị đe dọa, phần thì do núi lở, phần do nước ăn sâu vào, rất nguy hiểm. Nhưng, quỹ đất ở thị trấn rất ít, thậm chí có thể nói là không có, nên chính quyền không thể bố trí đất tái định cư cho dân. Năm 2019, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất tại đây, với kinh phí là 48 tỷ đồng.

Biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở nguy hiểm này, là cho bạt mái taluy dương với chiều dài 130 m dọc theo tuyến Quốc lộ 7A, chiều cao đỉnh mái taluy trung bình khoảng 90 m so với cao độ mặt bằng đường. Tiếp đến là xây tường chắn bằng rọ đá dưới chân taluy, để ngăn đất đá rời rạc lăn xuống. Dự án hoàn thành vào cuối năm 2021. UBND huyện Kỳ Sơn đã bàn giao đất cho người dân quay về dựng nhà ở.

Khốn nỗi, dù đã được khắc phục, nhưng cứ mỗi lần mưa kéo dài là tình trạng sạt lở lại tái diễn, thậm chí đất đá còn tràn qua bờ kè bằng rọ đá. Nhiều hộ gia đình không dám làm nhà mà bán rẻ đất để đi tìm chốn khác. Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Xén Nguyễn Anh Đoài, cho biết: mỗi khi có mưa lớn, chính quyền xã lại phải đi vận động người dân sơ tán vì sợ nguy hiểm. Dù đã có bờ kè bằng rọ đá nhưng vẫn không ngăn được, nước vẫn chảy ào ào xuống khiến đất đá ở trên cao bị mất kết dính đổ xuống.

Những ngôi nhà dân ở dưới chân núi bị sạt lở
Những ngôi nhà dân ở dưới chân núi bị sạt lở

Vạ lây

Một doanh nghiệp trúng thầu san lấp mặt bằng để đấu giá đất ở sát ngay khu dân cư đã nói ở trên. Dự án này được thực hiện từ năm 2017. Mục tiêu của dự án nhằm xử lý vết nứt núi ở phía trên, vừa tạo ra các lô đất ở bám Quốc lộ 7A để phân lô bán nền. Tuy nhiên, trong khi dự án đang thực hiện, thì xảy ra hiện tượng sạt lở núi ở khu dân cư như đã nói. Đến đầu năm 2022, dự án phân lô bán nền này mới hoàn thành mặt bằng thì không ai dám mua nữa.

Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư dự án xây dựng huyện Kỳ Sơn, cho biết, doanh nghiệp thực hiện dự án này đã tốn khoảng 23 tỷ đồng để múc đất, cải tạo mặt bằng. Sau cải tạo, có 26 lô đất được mang ra đấu giá với mỗi lô dự kiến khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tiếp tục xảy ra hiện tượng sạt lở đất nên việc đấu giá không thành, khiến doanh nghiệp như đang... ngồi trên lửa.

Ông Nguyễn Văn Long cũng cho biết, hiện vẫn chưa tìm ra giải pháp nào để khắc phục sạt lở ở khu vực núi phía trên khu dân cư và nếu có cũng rất tốn kinh phí. Do đó, người dân vẫn phải sống chung với sạt lở, vì chưa có phương án khả thi nào để xử lý tiếp.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.