Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điện Biên: Khẩn trương di dời các hộ dân bản Mường Tỉnh A ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

PV - 16:17, 17/07/2021

Mỗi năm vào mùa mưa lũ, 12 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu ở bản Mường Tỉnh A (xã Xa Dung, huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên) lại đối mặt với nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Một hộ dân ở bản Mường Tỉnh A.
Một hộ dân ở bản Mường Tỉnh A.

UBND xã Xa Dung đã có tờ trình gửi UBND huyện Điện Biên Đông xin chủ trương di chuyển 12 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, về địa điểm mới (diện tích rộng gần 2 ha, nằm cách bản cũ gần 1 km. tại diện tích đất rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 727, khoảnh 6, trạng thái rừng IIa). UBND huyện Điện Biên Đông cũng đã trình các giấy tờ thủ tục lên UBND tỉnh Điện Biên và đã được phê duyệt, dự kiến sẽ đầu tư thực hiện triển khai vào cuối năm 2021.

Giống như các hộ dân trong bản Mường Tỉnh A (xã Xa Dung, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên), gia đình anh Vừ A Sá không khỏi bất an, lo lắng khi mùa mưa lại đến, nhất là khi rãnh nứt ngày một rộng và tình trạng sạt lở đất vẫn tiếp tục diễn ra. Anh Vừ A Sá cho biết, cứ vào mùa mưa, gia đình anh vô cùng lo lắng vì nhà có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Được biết chính quyền xã Xa Dung đã có chủ trương cho chuyển đi nơi ở mới, gia đình đã gom đủ gỗ để có thể dựng một căn nhà mới, sẵn sàng chuyển đến địa điểm mới khi được chính quyền cho phép.

Chị Vừ Thị Sông, bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung cũng chia sẻ, mỗi khi mùa mưa đến người dân trong bản rất lo lắng. Nhiều đêm trời mưa to, chị và người thân trong gia đình không dám ngủ trong nhà mà phải di chuyển sang nhà khác an toàn hơn để ngủ nhờ. Do đó, bà con mong muốn các cấp chính quyền quan tâm, sớm di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất đến địa điểm an toàn, để ổn định cuộc sống.

Theo chính quyền xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên), tình trạng sạt lở, sụt lún, đứt gãy nền đất ở bản Mường Tỉnh A đã xảy ra từ nhiều năm trước. Năm 2017, tình trạng này diễn ra mạnh và rõ ràng hơn. Khi khảo sát khu vực quanh bản, cơ quan chuyên môn, ngành chức năng đã phát hiện nền đất nứt gãy thành rãnh, dài hàng trăm mét chạy qua bản, độ rộng vết nứt từ 15 - 20 cm, có nơi rộng tới 30 cm, tạo thành cung trượt sạt chạy qua bản. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất còn tạo ra hai khe trong bản. Tại hai khe này có những “hàm ếch” cao hơn 2m, dài hơn 10 m và đang có chiều hướng tiếp tục sạt lở, đe dọa nhiều ngôi nhà, chuồng trại chăn nuôi của người dân mỗi khi xảy ra mưa lớn.

Bà Vừ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Điện Biên) cho biết: Bản Mường Tỉnh A có gần 30 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Từ năm 2014, bản Mường Tỉnh A đã xảy ra tình trạng bị sụt lún, sạt lở đất. Sau khi xuất hiện tình trạng sạt lở, sụt lún, đứt gãy nền đất, chính quyền địa phương đã nhiều lần trực tiếp xuống tuyên truyền, vận động người dân trong bản và có 4 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Qua rà soát, kiểm tra, đánh giá thì hiện trong bản vẫn còn 12 hộ với hơn 100 nhân khẩu đang nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất.

Điện Biên: Khẩn trương di dời các hộ dân bản Mường Tỉnh A ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở 1

Mức độ nứt gãy, sụt lún qua các năm biểu hiện càng lớn, đến năm 2018, chính quyền các cấp và các Sở, ngành của tỉnh Điện Biên đã tiến hành kiểm tra hiện trạng và đề xuất giải pháp bố trí dân cư vùng có nguy cơ thiên tai khu vực bản Mường Tỉnh A. Qua kiểm tra, đoàn công tác thống nhất cho rằng việc di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng thiên tai là cần thiết để đảm bảo an toàn và sớm ổn định đời sống cho người dân. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tìm địa điểm định cư mới cho 12 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở của bản Mường Tỉnh A. Địa điểm này có diện tích rộng gần 2 ha, nằm cách bản cũ gần 1km. Địa điểm này lại thuộc diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho 3 hộ gia đình quản lý, thuộc tiểu khu 727, khoảnh 6, trạng thái rừng IIa. Bởi vậy, UBND xã Xa Dung đã có tờ trình gửi UBND huyện Điện Biên Đông về việc đề nghị, xin chủ trương di chuyển 12 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, về địa điểm mới. UBND huyện Điện Biên Đông cũng đã trình các giấy tờ thủ tục lên UBND tỉnh Điện Biên và đã được phê duyệt, dự kiến sẽ đầu tư thực hiện triển khai vào cuối năm 2021.

Theo lãnh đạo UBND xã Xa Dung, hiện đang bước vào mùa mưa lũ, người dân bản Mường tình A đang đối mặt với nguy cơ sạt lở đất, thiệt hại đến tài sản và tính mạng. Bởi vậy, cấp ủy chính quyền xã Xa Dung đã tổ chức tuyên truyền cho bà con trong bản sát sao theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết và có chế độ báo cáo để chính quyền xã có hướng chỉ đạo kịp thời; đồng thời chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân khi có mưa lớn, nguy cơ sạt lở đất xảy ra phải chủ động nhanh chóng di dời người, của cải đến khu vực an toàn hơn.

Ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết, không chỉ riêng ở bản Mường Tỉnh A, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông vẫn còn một số điểm khác có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao cần được di chuyển người dân đến nơi an toàn. Huyện đã đề nghị UBND tỉnh Điện Biên quan tâm bố trí nguồn vốn để giải quyết những nơi có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến đời sống cũng như an toàn của người dân. Hiện UBND tỉnh Điện Biên đã đồng ý để triển khai các dự án di dân khỏi khu vực sạt lở. Ban thường vụ Huyện ủy Điện Biên Đông cũng đã chỉ đạo các xã có phương án bố trí tạm thời cho người dân ra khỏi nguy cơ sạt lở vào mùa mưa trong khi chờ thực hiện dự án di chuyển bà con đến nơi ở mới./.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.