Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sơn La: Triển vọng từ nuôi gà đen thuần chủng ở É Tòng

Anh Ngọc - 09:18, 30/10/2022

Dự án nuôi gà đen thuần chủng thả vườn, đồi theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai đang được nhân rộng, mở ra hướng phát triển kinh tế cho bà con vùng cao.

Mô hình nuôi gà đen đã và đang được người dân xã É Tòng nhân rộng
Mô hình nuôi gà đen đã và đang được người dân xã É Tòng nhân rộng

Lựa chọn nuôi gà đen đặc sản

Thực hiện Đề án phát triển 6 xã vùng cao, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã lựa chọn 9 dự án, mô hình, gồm: Nuôi gà đen thuần chủng, trồng ngô ngọt, trồng gừng trâu, khôi nhung... để tạo sinh kế, phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Trong đó, dự án nuôi gà đen giống bản địa được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, lựa chọn 5 hộ trên địa bàn xã É Tòng để thực hiện, với quy mô trên 3.000 con. Giống gà đen thuần chủng được nhập từ Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (Viện chăn nuôi quốc gia), tổng kinh phí thực hiện hơn 400 triệu đồng, trong đó các hộ đóng góp gần 120 triệu đồng, còn lại là ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Trở lại xã vùng cao É Tòng để thăm mô hình nuôi gà đen của gia đình anh Lò Văn Pâng trong những ngày này, chúng tôi được chiêm ngưỡng đàn gà đen chạy tung tăng khắp sân, vườn đồi, với quy mô gần 1.000 con đang chuẩn bị cho xuất bán ra thị trường.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình, anh Pâng kể: “Tôi say mê nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm từ ngày nhỏ nhưng nhà nghèo quá nên không thể thực hiện được ước mơ. Lớn lên, được đi học nghề khuyến nông, tôi càng thêm khát khao được làm chủ một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm... Sau gần 10 năm làm  khuyến nông viên xã tôi đã quyết tâm nghỉ việc để thực hiện ước mơ còn dang dở của mình".

“É Tòng là một trong 6 xã vùng cao của huyện Thuận Châu, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu đã lựa chọn 5 hộ dân trên địa bàn xã É Tòng để thực hiện mô hình nuôi gà đen nhằm thực hiện đề án phát triển 6 xã vùng cao theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện và gia đình tôi được hỗ trợ 1.000 con. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng được hỗ trợ 70% kinh phí mua con giống, cám; được cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Châu tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gà, nên đàn gà lớn nhanh và phát triển tốt”- anh Pâng chia sẻ thêm.

Sau gần 4 tháng nuôi, 1.000 con gà đen của gia đình anh Pâng đạt trọng lượng từ 1,2 – 1,5 kg/con. Lứa đầu tiên, đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh liên hệ đến thu mua, với giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.

Theo anh Pâng, để đàn gà đen lớn nhanh, to, khỏe chỉ sau 4 tháng nuôi, thì giai đoạn úm gà con phải điều chỉnh nhiệt độ sao cho phù hợp, không để thừa hoặc thiếu nhiệt độ. Đồng thời, để nhận biết nhiệt độ khi úm, nếu như gà túm tụm vào nhau thì thiếu, còn thừa nhiệt thì đàn gà con sẽ tán ra xa bóng úm, sã cánh, há mồm...

Với số lượng gà 1.000 con, anh Pâng làm 10 quay úm và 1 bóng úm 170W/quay úm. Giai đoạn úm đúng và đủ là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển sau này của đàn gà. Nuôi đến khi được một tháng tuổi, anh Pâng bắt đầu tiêm vaccine phòng bệnh.

Mô hình nuôi gà đen thuần chủng của anh Lò Văn Phước, bản Nà Hem, xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La
Mô hình nuôi gà đen thuần chủng của anh Lò Văn Phước, bản Nà Hem, xã É Tòng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La

Cũng như anh Pâng, mô hình nuôi gà đen của gia đình anh Lò Văn Phước, bản Nà Hem, xã É Tòng, chuồng trại được rào bằng lưới thép theo đúng tiêu chuẩn. Dịp Tết Nguyên đán 2022, gà đã được xuất bán ra thị trường, anh Phước phấn khởi: Khi biết có Dự án mô hình nuôi gà đen, tôi đã mạnh dạn đăng ký tham gia và được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cung cấp 500 con gà giống thuần chủng 3 ngày tuổi. Trong quá trình nuôi, được cán bộ tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh, nên đàn gà lớn nhanh và phát triển tốt. Tôi đã đầu tư hệ thống chuồng trại, đảm bảo gà con phát triển trong điều kiện tốt nhất. Sau gần 4 tháng nuôi, gà đã đạt trọng lượng bình quân từ 1,2 - 1,5 kg và có thể xuất chuồng với giá bán trung bình 150.000 đồng/kg.

Triển vọng từ mô hình nuôi gà đen

Mô hình nuôi gà đen thuần chủng ở É Tòng triển vọng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương. Để nuôi gà bền vững, ngoài định hướng, hỗ trợ, cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung tuyên truyền, vận động thành lập hợp tác xã để liên kết phát triển bền vững.

Giống gà đen thuần chủng được nhập từ Trung tâm thực nghiệm và bảo tồn vật nuôi (Viện Chăn nuôi Quốc gia). Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 400 triệu đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 120 triệu đồng, còn lại là ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Anh Pâng, chia sẻ thêm: Mặc dù nuôi gà đen khá vất vả, song thấy đàn gà lớn lên từng ngày tôi rất mừng. Sau khi bán được lứa đầu tiên, gia đình tôi thu về hơn 100 triệu đồng. Từ hiệu quả nuôi gà đem lại, tháng 3/2022, gia đình tôi tiếp tục nuôi thêm gần 1.000 con nữa, hiện đàn gà đang sinh trưởng và phát triển tốt và chuẩn bị cho xuất bán ra thị trường.

“Hiện tôi cùng các hộ dân ở xã É Tòng đã liên kết thành lập hợp tác xã để cùng nuôi, chia sẻ kinh nghiệm, nhân rộng mô hình nuôi gà đen. Hiện HTX có 7 thành viên, nuôi khoảng 6.000 con gà đen thương phẩm”. Anh Pâng nói.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đàn gà của anh Pâng lớn nhanh, không bị bệnh.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật đàn gà của anh Pâng lớn nhanh, không bị bệnh.

Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Lò Văn Chân, Chủ tịch UBND xã É Tòng, huyện Thuận Châu, cho biết: Nuôi gà đen thuần chủng đang có nhiều triển vọng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho người dân ở vùng cao. Hiện các hộ dân đã và đang tiếp tục tái đàn, đồng thời, xã tuyên truyền, vận động nhân dân các bản vùng cao nhân rộng mô hình nuôi. Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi và chăm sóc cho bà con.

Hiệu quả của mô hình nuôi gà đen đã và đang mở ra triển vọng mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho bà con ở vùng cao của huyện Thuận Châu. Được biết, thời gian tới, huyện Thuận Châu sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình này để giúp bà con nông dân tại xã É Tòng tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Đồng thời, nhân rộng mô hình cho các xã lân cận theo quy hoạch và định hướng phát triển của huyện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.