Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc

Như Lam - 14:17, 04/12/2020

Đó là chủ đề Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức ngày 4/12 tại tỉnh Hòa Bình. Dự diễn đàn có đại diện Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia; lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình; Trung tâm Khuyến nông các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên cùng một số doanh nghiệp, HTX và 100 hộ nông dân tiêu biểu trong nuôi gà của tỉnh.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Các đại biểu tham dự Diễn đàn

Tại Diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hà Thúy Hạnh nhận định, Chương trình OCOP về phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện trong hai năm qua đã tạo ra một làn sinh khí mới trong ngành nông nghiệp.

Đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phê duyệt đề án và triển khai chương trình. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi gà, nhiều địa phương đã và đang phát triển về quy mô đàn, phát triển các giống đặc sản quý hiếm và xây dựng được thương hiệu, sở hữu trí tuệ; các sản phẩm về chế biến từ thịt, sữa… đa dạng, ngày càng có giá trị về chất lượng.

Hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm đang có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong các loài vật nuôi, năm 2020, tổng đàn gà cả nước có 382 triệu con (trong đó gà thịt chiếm 79,9% gà đẻ chiếm 21,1%, nhiều địa phương đã có đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP như: gà Tiên Yên (Quảng Ninh), gà Yên Thế (Bắc Giang), gà Chí Linh (Hải Dương), gà Đông Tảo (Hưng Yên)… Nhiều sản phẩm khi tham gia OCOP đã có những bứt phá mạnh mẽ về giá và quy mô sản lượng…

Tỉnh Hòa Bình với lợi thế diện tích đất tự nhiên lớn (khoảng 460.869 ha) và là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi như: Thị trường tiêu thụ sản phẩm lớn; hệ thống đường giao thông phát triển nối liền với Thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cùng với đó là thế mạnh vượt trội về quỹ đất đồi rừng khá lớn, vị trí địa lý thuận lợi… Do đó, có thể phát triển đa dạng các giống gia cầm và phát triển mạnh các giống gà đặc sản bản địa quý hiếm như: gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn...

Trong những năm qua, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành các nghị quyết, đề án, quy hoạch, kế hoạch cũng như định hướng phát triển ngành chăn nuôi bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phổ biến tuyên truyền áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ; sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; chủ động trong công tác phòng chống dịch cho đàn gia cầm, xây dựng cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất kinh doanh giống gia cầm, cơ sở ấp nở trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình-Vương Đắc Hùng cho biết, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 5 nhà máy chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất khoảng 675 nghìn tấn/năm, có 225 cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Năm 2020, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 481 triệu con, trong đó có 382 triệu con gà (chiếm 79,5%). Tính đến hết tháng 11/2020, toàn tỉnh Hòa Bình có 7,8 triệu con gia cầm. Hiện, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tập trung phát triển các giống gà địa phương như gà Lạc Thủy, Lạc Sơn.

Đối với ngành chăn nuôi, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giúp phát huy các giống đặc sản của từng vùng, miền. Người dân, cộng đồng là chủ thể của các thương hiệu, thụ hưởng lợi ích từ sản phẩm của mình… Tuy nhiên, hiện nay, quy mô chăn nuôi một số giống gà đặc sản chủ yếu ở hộ gia đình. Các hộ gặp khó khăn trong đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô chăn nuôi và sản xuất chế biến, xúc tiến thương mại, đăng ký sở hữu trí tuệ hạn chế. Việc quy hoạch, phát triển chăn nuôi các giống gà đặc sản vào Chương trình OCOP các địa phương còn thực hiện chậm.

Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Phát triển chăn nuôi gà thịt theo hướng sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc” nhằm: Định hướng quy hoạch vùng chăn nuôi, khuyến khích xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm; phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đa dạng hóa sản phẩm gắn với thị trường theo hướng OCOP; tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao các loại hình sản phẩm…

Bên cạnh đó, Diễn đàn tạo điều kiện để nông dân trao đổi, chia sẻ, thảo luận với các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn trong phát triển chăn nuôi gà thịt, như: Kỹ thuật chăm sóc,điều trị các bệnh thường gặp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tiêu chuẩn để sản phẩm gà thịt đạt tiêu chuẩn OCOP… Thông qua Diễn đàn, các doanh nghiệp, HTX, hộ dân có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của T.Ư, địa phương.

(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.