Thoát nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm
Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Văn Hiến, xã Văn Phú cũng đã chuyển đổi 1h đất ruộng sang trồng dâu. Cây dâu rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chỉ sau 6 tháng trồng dâu, gia đình anh đã nuôi được lứa tằm đầu tiên. Ước tính, 1 ha dâu, bình quân mỗi tháng, trừ các loại chi phí, gia đình anh thu lãi hơn 14 triệu đồng/tháng. Với nguồn thu nhập ổn định,gia đình anh Hùng đã thoát nghèo, có khoản tích lũy, vốn để mở rộng sản xuất.
Tại thôn Khe Thuyền 3 và thôn Đồng Mụng, xã Văn Phú, người dân cũng đã thu được những hiệu quả từ việc trồng dâu, nuôi tằm. Anh Cao Văn Bình, thôn Đồng Mụng trước đây từng băn khoăn khi được cán bộ khuyến nông tư vấn chuyển đổi sang loại cây mới, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, thấy cây dâu phát triển tốt, lại được một doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, anh đã tự tin hơn. Anh tính, nếu nuôi 8 lứa tằm/năm sẽ hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng cây hoa màu khác.
Không riêng anh Hùng, anh Bình, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Sơn Dương cũng đã tìm tòi, nghiên cứu và chuyển đổi đất màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Từ việc thu nhập chủ yếu dựa vào các loại nông sản như ngô, lúa, đời sống khó khăn, người dân nơi đây bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế khá giả.
Ông Bùi Xuân Lượng - Chủ tịch UBND xã Văn Phú cho biết, cây dâu là loại cây ít sâu, bệnh, không kén đất, có khả năng chống chịu, thích nghi rất cao, thu hoạch lâu dài. Vì vậy, việc trồng dâu ở đất soi bãi, đất đồi thấp, đất lúa 1 vụ đạt được cả hai mục tiêu về kinh tế và bảo vệ đất đai, môi trường. Theo đó, xã đã có chủ trương phát triển khoảng 10 ha dâu tại những diện tích cây trồng kém hiệu quả. Dù mới thực hiện mô hình nhưng với giá trị tính được bình quân 1 ha cũng đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm nên nhân dân rất phấn khởi.
Tái cơ cấu cây trồng để giảm nghèo hiệu quả
Để nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, UBND huyện Sơn Dương đã khuyến khích nông dân xã Văn Phú, Trường Sinh, Ninh Lai tiên phong phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện. Trong đó, việc liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân là vấn đề then chốt.
Xác định nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Sơn Dương đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Những nương ngô, nương lúa thiếu nước, đất trồng màu kém hiệu quả được chuyển dần sang trồng dâu nuôi tằm, gắn với liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Việc triển khai chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang loại cây có giá trị kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ cây trồng tiềm năng này.
Hiện toàn huyện Sơn Dương có trên 30 hộ dân tham gia trồng dâu với diện tích gần 15 ha. Toàn bộ diện tích dâu tằm được Công ty Cổ phần tơ lụa Phương Nam liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tham gia liên kết bà con được công ty hỗ trợ các khâu cung cấp giống tằm, lựa chọn giống dâu, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng trước con giống, nông cụ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.
Để nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, UBND huyện Sơn Dương đã khuyến khích nông dân xã Văn Phú, Trường Sinh, Ninh Lai tiên phong phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện. Trong đó, việc liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân là vấn đề then chốt.
Theo ông Nguyễn Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, với giá thu mua kén tằm trung bình 100.000-160.000 đồng/kg, doanh thu trồng dâu nuôi tằm đạt khoảng 240 triệu/ha/năm. Hiệu quả từ mô hình trồng dâu nuôi tằm, nông dân Sơn Dương đang từng bước tái cơ cấu cây trồng ngày một hiệu quả, nhiều gia đình có thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.