Từ đội viên Đội Nhi đồng cứu quốc
Đón chúng tôi bên nếp nhà sàn, ông Hoàng Ngọc móm mém cười nhớ lại: “Ở cái tuổi 86 gần đất xa trời này, nhưng có những người, những chuyện không thể nào quên. Khi ấy tôi mới 8 tuổi, song câu chuyện về ông Ké, về ngày tháng lịch sử của năm 1945 trên mảnh đất này đã hằn sâu vào tiềm thức, tâm khảm của tôi nên tôi nhớ như in, không thể nào quên được”.
Nhâm nhi chén trà, ông Hoàng Ngọc chậm rãi kể “Vào ngày 21/5/1945, ở thôn Cả, xã Kim Long (nay là thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) hẻo lánh chỉ với 22 nóc nhà bỗng nhộn nhịp hẳn khi vinh dự được đón những vị khách đặc biệt. Đó là đoàn cán bộ cách mạng trở về từ Pác Bó, Cao Bằng. Trong đoàn có một ông cụ, dáng người mảnh dẻ nhanh nhẹn, nước da rám nắng, chòm râu thưa đen nhánh và đôi mắt sáng như sao. Người dân không ai biết đó Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân làng gọi Người là “ông Ké”, cán bộ cách mạng gọi Người là “đồng chí Già”.
Đoàn cán bộ cách mạng chia nhau thành từng tốp ở nhà dân. Ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh xã Kim Long được đón ông Ké ở; còn ngôi nhà của ông Hoàng Trung Nguyên (bố ông Hoàng Ngọc), người giao liên “đặc biệt” của ông Ké trú chân, cũng là nơi ông Ké làm việc. “Ông Ké gần gũi, hiền từ lắm! Ông Ké trìu mến gọi tôi là cu Ngọc, gọi ông Nguyễn Văn Khoái (con trai ông Nguyễn Tiến Sự) là cu Khoái”. Có lần, ông Ké thấy chúng tôi đang quay chơi dưới gầm nhà sàn, ông tiến gần và ôn tồn hỏi:
- Các cháu có được đi học không?
Ông Hoàng Ngọc trả lời:
- Dạ, không ạ.
Ông Ké căn dặn:
-Sau này có trường, lớp, các cháu phải chăm ngoan và học thật tốt nhé!
Một lần khác, ông Ké nói với cu Ngọc:
-Thằng cu Ngọc tham gia Đội Nhi đồng cứu quốc nhé!
-Đội Nhi đồng cứu quốc làm việc gì vậy ông? – Cu Ngọc thắc mắc.
Rồi ông Ké cười trìu mến, giảng giải: Thằng cu Ngọc đứng ra, tập hợp thêm 2, 3 bạn nữa có nhiệm vụ là đi chăn trâu, chăn bò, đi nương, đi rẫy nếu thấy người lạ mặt vào làng là phải thông báo ngay cho các chú bộ đội.
Sau đó, cu Ngọc đứng ra, tập hợp được thêm 3 người gồm Nguyễn Văn Khoái, Nông Văn Giai, Ma Văn Hiền thành đội viên của Đội Nhi đồng cứu quốc. “Nhiệm vụ của chúng tôi chỉ có vậy. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình nhưng là thực hiện nhiệm vụ ông Ké trực tiếp giao phó, 4 chúng tôi vinh dự, tự hào, hăng hái lắm”.
Ngày ấy, Kim Long sục sôi như “chảo lửa”. Đảm bảo bí mật là yêu cầu hàng đầu lúc bấy giờ. Ông Ngọc kể, có lần, ông Ké đi thăm bản, thấy người dân đang giã gạo nên hỏi: "Các cháu giã gạo làm gì vậy?"
- Chúng cháu giã gạo cho bộ đội ạ! - Bà con đáp.
Ông Ké hỏi: Thứ quý giá như tiền thì các cháu thường cất ở đâu?
- Chúng cháu cất trong túi, trong hòm ạ!
- Làm cách mạng còn quý hơn tiền, nên càng cần phải bí mật, càng phải cất kỹ hơn - Ông Ké dặn dò.
Cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 22/8/1945, Trung ương Đảng và Bác Hồ rời Tân Trào về Hà Nội và ngày 2/9/1945, Người đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam).
Năm 1946, xã có trường, có lớp, ông Ngọc được đi học cái chữ, được cô giáo dạy các bài hát về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 1 dịp rước ảnh Chủ tịch về làng, ông Ngọc và người Kim Long mới biết hóa ra Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là… ông Ké làng mình.
Suốt đời học Bác
Gần 8 thập kỷ qua, ông Hoàng Ngọc luôn tự hào, vinh dự được gặp, trò chuyện với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Niềm tự hào đó như nguồn sức mạnh vô biên để người đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng nêu gương trong học tập, lao động, cống hiến…
Khi còn nhỏ, một lòng kính trọng, ghi nhớ lời ông Ké dặn sau này có trường, có lớp phải chăm ngoan, học tốt, ông Ngọc ham học hỏi và nỗ lực trong học tập. Đam mê, niềm vui của ông là đọc sách, nhất là những cuốn sách về Bác Hồ, học và làm theo tấm gương, tư tưởng, phong cách của Bác từ khi chỉ là cậu thiếu niên.
Năm 1957, tròn 20 tuổi, ông Ngọc xung phong đi bộ đội, thuộc biên chế của Sư đoàn 304. Tự hào là lính cụ Hồ, nhiều lần ông được đứng trong đội cảm tử quân, xung phong và anh dũng trong nhiều trận chiến khốc liệt. Ông Ngọc cười bảo “Qua bao trận chiến vào sinh ra tử ấy thế mà không hy sinh. Tôi chỉ là bệnh binh hạng 2. Cả Tân Trào có cả trăm thanh niên nhập ngũ để tham gia kháng chiến, nhưng may mắn và lạ lùng thay khi nơi này không ai hy sinh cả. Nói Tân Trào là vùng đất thiêng bởi lẽ đó”.
Ông Ngọc nói về “13 điều xử thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh” vanh vách. Rồi nhấn mạnh, hơn 20 năm trong quân ngũ rồi khi trở về đời thường, làm cán bộ xã, ông luôn lấy 13 xử thế của cụ Hồ để làm “kim chỉ nam” rèn mình, rèn con cháu. Dẫu mất 70% sức khỏe nhưng nhớ lời cụ Hồ “tàn nhưng không phế”, năm 1980, sau khi xuất ngũ, ông lại tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế. Ông Ngọc là 1 trong những người đầu tiên xây dựng kinh tế trang trại của địa phương. Gia đình thoát nghèo bền vững, cuộc sống ấm no hơn từ mô hình vườn - ao - chuồng.
Mấy chục năm lao động không ngơi nghỉ, chỉ cách đây 10 năm, khi tuổi cao, sức yếu, ông Ngọc mới chịu bàn giao lại trang trại cho con trai. Giờ đây, đôi chân đau nhức, đôi mắt đã mờ, đôi tai đã nặng nhưng ông Ngọc vẫn miệt mài cùng con, cháu làm sản phẩm du lịch mẹt tre, rá tre, rổ tre bán cho khách du lịch.
“Càng già, càng dẻo lại càng dai
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai"
Đôi tay thoăn thoắt đan mẹt tre, ông Hoàng Ngọc ngân nga mấy câu thơ Bác Hồ viết tặng cho người cao tuổi. Ông bảo, "Dân tộc Việt Nam có một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng, là đạo đức, là phong cách Hồ Chí Minh. Và suốt một đời, từ khi còn “ấu” đến khi thành “lão”, tôi luôn trân quý, góp sức gìn giữ di sản ấy".