Phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống
Một trong những niềm tự hào về văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng là nghệ thuật trình diễn dân gian nhạc ngũ âm, nghệ thuật múa Rom vong của người Khmer là loại hình văn hóa, nghệ thuật được hình thành và gắn liền với lao động sản xuất của người Khmer từ xa xưa. Những loại hình nghệ thuật này không thể thiếu ở các buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội tại các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Khmer.
Ông Lưu Thanh Hùng, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng tổ chức mở 2 lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu Rô băm, nhạc ngũ âm và múa Rom vong cho 153 học viên. Các học viên là diễn viên, học sinh, nhạc công và những người đam mê nghệ thuật múa, nhạc đến từ các đội, tụ điểm sinh hoạt văn hóa nghệ thuật tại các chùa Khmer và các trường phổ thông dân tộc nội trú...
“Thông qua công tác đào tạo, truyền dạy này, nhằm trang bị cho anh chị em học viên đầy đủ hơn những kiến thức về nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, ông Hùng chia sẻ.
Được theo học lớp nghệ thuật sân khấu Rô băm, em Thạch Kim Hà ở ấp Tài Công, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng rất phấn khởi: “Em rất thích các điệu múa dân tộc Khmer. Hồi nhỏ em đã có niềm đam mê vì thấy các anh chị trong xóm múa hát vào các dịp lễ hội rất vui. Đến khi lớn lên, bất cứ đi đám tiệc hay dự lễ hội tại chùa Khmer, em đều tham gia giao lưu văn nghệ múa Rom vong để góp phần tạo không khí vui tươi hơn. Hiện em cũng đang sinh hoạt văn nghệ chung với nhóm anh chị trong xóm. Khi biết thông tin Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh có mở lớp truyền dạy nghệ thuật sân khấu Rô băm, em đăng ký tham gia học ngay. Đến nay, em đã học được một số động tác cơ bản của nghệ thuật múa Rô băm, em cảm thấy rất vui”.
Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ Khmer chùa Buôl Pres Phek, ở ấp Phước Thuận, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cho biết: Tôi đã đam mê và gắn bó với nghệ thuật dân tộc từ bé, nên muốn truyền “ngọn lửa” đam mê ấy cho các bạn trẻ, để các em có cơ hội phát huy năng khiếu và kế thừa, gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Từ khi Câu lạc bộ đi vào hoạt động, bà con Khmer quanh khu vực chùa có nơi để sinh hoạt và vui chơi. Qua đó, đã phát hiện không ít những người có năng khiếu ca múa... để bổ sung vào lực lượng văn nghệ của chùa và địa phương.
“Tôi nguyện đem hết khả năng của mình để giúp khán giả cảm nhận được vẻ đẹp trong điệu múa, lời ca của dân tộc Khmer. Tôi thấy vui vì đã góp một phần nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình”, chị Diệu chia sẻ.
Ngày nay, các tiết mục trình diễn nhạc ngũ âm, hay múa Rom vong… luôn tạo sự lôi cuốn, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức, tham gia sinh hoạt trong các ngày lễ hội. Đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật làm thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức văn nghệ của đồng bào Khmer mà còn là “chất keo” góp phần kết nối cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào Khmer
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 – 2030, trong năm 2022 và năm 2023 nguồn vốn phân bổ đối với Dự án 6 hơn 23,6 tỷ đồng.
Theo ông Sơn Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong giai đoạn từ năm 2022 – 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu ban hành kế hoạch và triển khai các nội dung thuộc Dự án 6. Trong đó, Sở đã phối hợp thực hiện 4 cuộc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gồm: khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản truyền thống Thư pháp người Hoa TP. Sóc Trăng; khảo sát, kiểm kê, sưu tầm ghe ngo, ghe cà hâu; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề đan lát và nghề vẽ tranh trên kiếng của người Khmer. Đồng thời, Sở cũng đã triển khai bảo tồn 3 lễ hội truyền thống tại địa phương như lễ hội truyền thống Cầu an của người Khmer; lễ hội Phước biển của người Khmer TX. Vĩnh Châu và lễ hội Thắk Côn của người Khmer huyện Châu Thành.
“Bên cạnh đó, Sở cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể dàn nhạc Tùa Lầu Cấu của người Hoa TX. Vĩnh Châu; xây dựng 4 câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian tại huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên, huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Ngoài ra, còn hỗ trợ mua sắm 97 tủ và sách, 124 bộ thiết bị âm thanh, bàn, ghế, dụng cụ thể thao cho các ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ 14 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những lớp kế cận; hỗ trợ đóng mới 4 chiếc ghe ngo và 1 chiếc ghe cà hâu...”, ông Liêm nói.
Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng luôn xác định bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer. Với lịch sử lâu đời, người Khmer ở Sóc Trăng đã kết tinh nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, từ các loại hình nghệ thuật, tới văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội…