Lễ cúng trăng mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, thể hiện khát vọng và tình cảm của con người đối với con người và con người đối với thiên nhiên.
Ngoài ra, còn có ý nghĩa tâm linh được thể hiện qua các vật cúng và vật trang trí như: Hai cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho “Vành đai vũ trụ”, chiếc bàn tượng trưng cho “Trái đất”, 2 cây mía tượng trưng cho “sự sinh sôi, nảy nở”, 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho “12 tháng trong năm và 12 con giáp”… và một số bánh kẹo, khoai củ, cốm dẹp để cúng dâng, tưởng nhớ đến công ơn Thần Mặt Trăng vốn được người Khmer coi là thần bảo hộ cho mùa màng tốt tươi, giúp cho con người làm ăn phát đạt trong năm mới.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng Sơn Pô cho biết, tổ chức Lễ cúng trăng hằng năm không chỉ là việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer, mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, trở thành một điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của tỉnh Sóc Trăng, để thu hút du khách đến với Sóc Trăng ngày một nhiều hơn. Đồng thời, tôn vinh giá trị di sản văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer và nhằm nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các DTTS của tỉnh.
Tại buổi lễ, sau lời khấn tạ ơn và đọc kinh cầu phúc là nghi thức đút cốm dẹp. Dưới ánh trăng, đại diện các vị cao niên là Người có uy tín trong đồng bào Khmer tận tay đút từng miếng cốm dẹp cho trẻ nhỏ, thanh thiếu niên… kèm theo những câu hỏi về ước mong, hoài bão trong cuộc sống.
Kết thúc nghi lễ đút cốm dẹp, mọi người cùng thưởng thức các vật lễ đã cúng và xem các nghệ nhân Khmer tái hiện hoạt động làm cốm dẹp của đồng bào Khmer.