Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Số phận người tù “hai ngàn ngày oan trái”: Nỗi oan hóa giải, nỗi buồn chưa nguôi (Bài 3)

Việt Thắng - Khánh An - 17:17, 26/02/2022

Ông Lý được trả tự do. Nhưng sau hai ngàn ngày ngồi tù oan, vẫn là chuỗi ngày trĩu nặng của ông và gia đình. Tương lai của một giảng viên đại học cũng vụt tắt sau đó.

Đôi bạn tù Nguyễn Sĩ Lý (bên phải) và Cao Tiến Mùi, cứ gặp nhau là mừng rỡ khôn xiết
Đôi bạn tù Nguyễn Sĩ Lý (bên phải) và Cao Tiến Mùi, cứ gặp nhau là mừng rỡ khôn xiết

Những chuỗi ngày cay đắng

“Chiều 28, tôi về đến nhà để ăn Tết với vợ con, cha mẹ thì buổi tối xảy ra vụ án đó. Lúc đó tôi 27 tuổi”, ông Lý kể. Vụ án đã chôn vùi ông suốt 5 năm 6 tháng ròng rã trong tù. Giữa tháng 8/1988, sau phiên tòa tái thẩm được mở, ông Lý được tuyên vô tội và được trả tự do. Viện Kiểm sát về xin lỗi ông và bồi thường oan sai cho 2.000 ngày tù oan với số tiền tương đương 7 chỉ vàng hồi ấy.

Ra tù, ông liên lạc với Trường Đại học Tây Nguyên, Hiệu trưởng nói ông vào tiếp tục công tác, nhưng với điều kiện tòa án phải vào xin lỗi trường vì đã xử oan người của trường. “Tỉnh ép, Tòa mới chịu đồng ý vào xin lỗi. Họ hẹn tôi ngày 15/7/1990 cùng vào Tây Nguyên để xin lỗi, nhưng 1 tuần sau đó tôi mới nhận được giấy mời. Tôi thấy họ tắc trách nên làm đơn khiếu nại, nhưng chẳng ai trả lời”, ông Lý chua chát nói. Con đường giảng viên của ông chấm dứt từ đó.

Bà Lê Thị Len, vợ ông Lý nhớ lại, hồi đó bà đang làm công nhân nông trường ở Nghĩa Đàn. Vợ chồng bà dự tính sẽ cùng vào Tây Nguyên lập nghiệp sinh sống, nhưng mọi dự tính đều vỡ tan vì án tù oan nghiệt ấy. 

“Sau khi ông ấy bị bắt và chịu án tù, ra đường tôi cứ phải cúi mặt mà đi. Giờ nghỉ giải lao, tôi phải đi chỗ khác ngồi một mình, vì sợ lời những người ác ý cứ xói vào tai, nói chồng là giảng viên đại học mà giết người. Đó là những năm tháng thật kinh khủng”, bà Len kể.

Ra tù, vợ chồng ông Lý dựng nhà ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, quê bà Len để sinh sống. Năm 1990, buồn bã và uất ức, ông Lý bị tai biến, liệt tứ chi. Ông phải ra Hà Nội chữa bệnh. Sau hơn nửa năm châm cứu, tập luyện, ông mới cử động được đôi tay và bắt đầu tập tành để đi lại cùng chiếc nạng gỗ. Về nhà, vẫn sống với chiếc nạng gỗ, đêm, vợ chồng ông làm đậu phụ, sáng, vợ ông mang ra chợ bán. Cuộc sống của ông cứ lầm lũi, quăng quật với cái nạng gỗ để nuôi 3 đứa con ăn học.

Vụ án oan này cũng khiến người thân của ông liên lụy, khổ sở vì vạ lây. “Anh trai tôi đang dạy học trong xã thì bị chuyển đến một trường rất xa để dạy. Em trai tôi thì bị khai trừ khỏi Đảng, tất cả vì lý lịch xấu do có người thân đi tù. Vợ tôi lầm lũi nuôi con trong tủi nhục. Cho đến ngày tôi được minh oan, anh trai mới được phục hồi về quê dạy học và thằng em mới được sinh hoạt đảng trở lại”, ông Lý cay đắng, kể.

Vụ án oan sai khép lại. Cái sai của các cơ quan tố tụng đã được làm rõ. Dù vụ án oan này đã khiến ông bị thân bại danh liệt, nhưng ông Lý nói, ông không oán trách những người điều tra vụ án hồi đó. “Họ mắc sai lầm là do tắc trách, nôn nóng phá được án, chỉ suy diễn mà không căn cứ các cơ sở khoa học để điều tra, chứ họ không có chủ ý để hại tôi. Tôi chỉ buồn là khi vụ án đã được làm rõ, tôi được minh oan, một số người có trách nhiệm hồi đó, vì thành tích vẫn tỏ ra oán tôi, không chịu thừa nhận đã sai và không muốn mở cho tôi con đường sinh sống”, người cựu tù oan nói.

Đã hơn 30 năm, nỗi oan khuất của ông Lý đã được hóa giải. Nhưng ông nói, đến giờ, những tháng ngày ám ảnh ấy vẫn cứ đeo bám ông trong những giấc ngủ. Niềm an ủi của ông là, nếu đêm đó, Lai ném lựu đạn trúng vào cha con ông, thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. Nếu coi năm đó là cái hạn của gia đình ông, thì thà ông bị tù oan như thế vẫn còn hơn lựu đạn ném trúng vào người thân.

Ông Cao Tiến Mùi kể về quá trình phá án, giải oan cho người bạn tù Nguyễn Sĩ Lý
Ông Cao Tiến Mùi kể về quá trình phá án, giải oan cho người bạn tù Nguyễn Sĩ Lý

Xóa bỏ hận thù

Hơn 10 năm sau, khi ông Lý được giải oan, đã có một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa 3 người, gồm ông Lý, người bạn tù Cao Tiến Mùi và thủ phạm vụ án Bùi Văn Lai. Bữa cơm rượu được tổ chức ngay tại nhà ông Lý. Ba con người đứng thành hai phía, từng được xem là kẻ thù của nhau, đã bắt tay nhau để hóa giải mọi oán thù trước đó.

 “Đó là lần đầu tiên tôi gặp Lai, chúng tôi nói chuyện với nhau bình thường, Lai xin lỗi tôi vì đã gây ra oan trái đày đọa tôi và nói lúc lỡ gây án xong, anh ta không dám nhận tội và sợ bị tù tội nên phải đổ vấy cho người khác. Tôi không trách anh ta, vì tôi hiểu, trong tình thế đó sẽ có nhiều người làm như vậy”, ông Lý kể.

Sau khi được giải oan, ông Lý coi người bạn tù Cao Tiến Mùi như người anh ruột thịt. Ông Mùi nhiều hơn ông Lý 1 tuổi. Cuộc sống của ông Mùi cũng chật vật trong căn nhà nhỏ nằm ở xóm Bàu, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ. Ông nói cứ nghĩ đến việc giải được oan cho người bạn tù Nguyễn Sĩ Lý, là ông sống thanh thản hơn, dù sau này, chất độc da cam hồi tham gia chiến trường nhiễm vào người thường hành hạ ông và đã cướp đi của vợ chồng ông 2 đứa con.

“Tôi chỉ tiếc, nó có học thức, thông minh, tương lai sáng sủa nhưng đã mất hết cơ hội khi phải dính vào vụ án oan nghiệt đó”, ông Mùi thở dài. Rồi ông kể, năm nào, ông Lý cũng vượt hơn 4 chục cây số đến thăm vợ chồng ông. “Tui nói chân tay mi như rứa đi mần chi, ân huệ chi nữa, gọi điện thăm nhau là được rồi nhưng nó vẫn cứ đến. Nó nói, đến chơi với anh thấy vui. Và nó đến chơi, tui cũng thấy vui thật”, ông Mùi cười rõ tươi.

Vụ án này đã được Lưu Quang Vũ viết thành vở kịch mang tên “Trái tim trong trắng”. Sau đó, được nhiều đoàn kịch trong nước dàn dựng và đổi tên thành “Hai ngàn ngày oan trái”. Vở kịch đã lấy được rất nhiều nước mắt của khán giả, bởi nó được lấy từ câu chuyện có thật đầy oan trái, đắng cay này.

Tin cùng chuyên mục
Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.