Sau khi được giải oan, ông Lý bị tai biến, liệt tứ chi và hơn 20 năm nay phải tập tễnh với cái nạng gỗ. Cuộc sống của ông quẩn quanh trong căn nhà nằm bên đường làng ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Vụ án mạng đêm 28 tháng Chạp
Đêm 28 tháng Chạp năm Quý Hợi (1983), ông Nguyễn Sĩ Huỳnh (ở xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) mang cái xoong nấu bánh chưng đem trả lại cho hàng xóm. Khi ông đang đi bộ lên cái dốc cách nhà chừng 100m thì ánh sáng từ chiếc đèn pin ông cầm trên tay vô tình quét trúng mặt hai thanh niên đang đi bộ hướng ngược lại. Hai người này chửi bới rồi xông vào đánh ông. Ông Huỳnh hoảng hốt chạy về nhà. Thấy cha mình bị đánh, 3 người con trai ông Huỳnh và một người bạn của con chạy ra đường.
“Lúc đó, 4 anh em chúng tôi đang ngồi sưởi ở bếp. Nghe cha mình hô hoán, tôi vớ được con dao đang dắt ở phên nhà bếp chạy ra. Ba người chạy trước, tôi chạy sau. Khi vừa ra đến cổng thì tôi nghe tiếng nổ lớn rất gần mình khiến tôi phải quay lại chạy ngược vào nhà. Sau đó, hàng xóm đổ ra đường, họ gọi Công an xã đến thắp đèn tìm kiếm thì phát hiện một chốt lựu đạn mỏ vịt còn vứt gần đó. Lúc này, hai người đánh cha tôi cũng không có mặt ở đó nữa”, ông Lý kể. Vụ việc kết thúc tưởng chừng yên ả và ai về nhà nấy.
Đêm đó, ông Huỳnh mổ lợn cho các con ăn Tết. Anh Lý lấy con dao lúc nãy để chọc tiết lợn. Cán dao và quần áo anh bị máu lợn dính. Đây cũng là manh mối sau này Ban Chuyên án cho là một trong những bằng chứng để kết tội Lý giết người và đẩy anh vào vòng lao lý oan nghiệt.
Mồng 6 Tết. Công an huyện Quỳ Hợp bất ngờ triệu tập ông Huỳnh và 3 con trai của ông cùng người bạn của con có mặt đêm xảy ra vụ nổ trước cổng nhà ông để điều tra vụ án mạng khiến 1 người chết. “Lúc đó, chúng tôi rất bất ngờ và không hiểu vì sao lại bị triệu tập”, ông Lý kể.
Những bằng chứng chống lại nghi can Lý
Công an thông báo cho những người trong nhà ông Huỳnh nguyên nhân bị bắt giữ là ông và các con ông bị tình nghi đã giết hại anh Bùi Văn Vinh (ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp) vào đêm 28 tháng Chạp. Anh Vinh cùng anh trai là Bùi Văn Lai đêm đó đã xảy ra mâu thuẫn với ông Huỳnh do ông Huỳnh khua ánh đèn pin vào mặt họ. Sau đó, anh Vinh bị đâm một nhát dao trúng tim, được anh Lai đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong trong đêm đó.
“Tôi khẳng định với điều tra viên tôi có cầm dao nhưng không giết người. Còn anh, em trai và cha tôi thì tôi tin chắc họ không làm thế và khi đó không ai có dao trong tay. Hiện trường vụ án khiến tôi đặt giả thiết, có thể 2 người kia sau khi thấy cha tôi gọi chúng tôi nên bỏ chạy và đã ném lựu đạn về phía chúng tôi. Việc một người bị đâm có thể do liên quan đến mâu thuẫn với ai đó hoặc trời tối nên họ đâm nhầm lẫn nhau, nhưng công an đã không điều tra theo hướng đó”, ông Lý nói.
Khám nghiệm tử thi, trên ngực nạn nhân có một vết đâm từ ngoài vào theo hướng từ trên xuống thấu tim khiến nạn nhân mất máu, tử vong. Vết thương dài 2cm. Theo ông Lý, khi đối chiếu với con dao lá lúa dùng để đi rừng mà ông cầm theo đêm đó thì vô tình lại trùng khớp, vì nó cũng có lưỡi rộng đúng 2cm. “Căn cứ vào tình tiết này, mà tôi bị họ cho rằng đã giết người”, ông Lý chua chát nói.
Khi cơ quan điều tra về gặp các nhân chứng để điều tra vụ án, người dân ở gần nhà ông Huỳnh nói đêm đó họ có nghe tiếng ông Huỳnh gọi cầu cứu con là ông bị đánh, sau đó họ nghe tiếng lựu đạn nổ. Ông Lý lý giải với điều tra viên là thời gian đó chỉ diễn ra chừng 1 phút. Chừng đó thời gian, ông không thể kịp chạy từ nhà bếp ra đến đường lớn trước nhà để kịp gây án. Nhưng khi điều tra viên dẫn lời khai của những người hàng xóm, họ nói “rất nhanh, chừng… 5 - 6 phút”.
“Hồi đó người dân nghèo trên vùng núi đó ít ai biết đến cái đồng hồ thì làm sao họ định lượng được 1 phút là bao lâu. Nhưng Công an vẫn căn cứ lấy đó làm cơ sở để buộc tội cho tôi”. Khám xét nhà ông Huỳnh, công an cũng thu giữ được một bộ quần áo có dính máu và trên cán con dao lá lúa cũng có những vết máu. Ông Lý nói đó là máu lợn mà ông đâm tiết chiều 28 nhưng họ cho rằng đó là máu của nạn nhân, nên đã đưa vào làm bằng chứng kết tội ông.
Sau 2 tháng bị giam giữ, cả 4 người trong nhà ông Huỳnh vẫn không được thả, trong khi các bằng chứng ở hiện trường lại chống lại nghi can Lý. Biết khó có thể tự minh oan cho mình trong điều kiện khắc khổ của nhà tạm giam, Lý bắt đầu nghĩ cách khác. “Một bữa, tôi đến nhận đồ tiếp tế của gia đình, thấy cha tôi cũng đi nhận đồ trong bộ dạng tiều tụy. Cha tôi chưa được thả. Tôi đã khóc. Đêm đó tôi không ngủ được. Tôi nằm nghĩ, nếu mình nhận tội, cha sẽ được thả. Nhận tội chưa phải là mình tự sát, mà sẽ còn có nhiều cơ hội khác để minh oan. Và tôi nhận tội”, ông Lý kể.
Bài 2: Số phận người tù “hai ngàn ngày oan trái”: Người bạn tù phá án