Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Số phận người tù “hai ngàn ngày oan trái”: Người bạn tù phá án (Bài 2)

Việt Thắng - Khánh An - 17:18, 23/02/2022

Trong trạm giam, Lý gặp Mùi “gấu đen”, một “đại bàng” trong trại. Nghe Lý kể về nỗi oan của mình, Mùi hứa sau khi ra tù sẽ đi điều tra vụ án và giải oan cho Lý.

Ông Lý sống với chiếc nạng gỗ hơn 20 năm nay
Ông Lý sống với chiếc nạng gỗ hơn 20 năm nay

Gặp “đại bàng” trại giam

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị can Lý về tội danh giết người, Lý vẫn nhận tội, không kêu oan. Tôi hỏi vì sao lúc đó anh nhận tội, ông Lý trầm ngâm một lát rồi nói, sơ thẩm là tòa tỉnh xử, tôi nghĩ chưa phải là cơ hội tốt để kêu oan. Bị cáo Lý bị tuyên phạt 17 năm tù về tội giết người. Lý làm đơn kháng án.

Trước khi phiên phúc thẩm diễn ra vài hôm, trong tù, Lý gặp Cao Tiến Mùi quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), Mùi là phạm nhân đã thành án, nhưng được thụ án ở trại tại giam Nghi Kim (TP. Vinh), là “đại bàng” của trại. Khi Lý được Mùi gọi vào để chào ra mắt “đại ca”, Lý kể cho Mùi nghe sự tình vụ án đêm 28 tháng Chạp và kêu oan với Mùi. 

“Sau khi nghe tôi nói tôi không giết người, tôi nhận tội là để cứu cha thoát cảnh bị giam giữ. Tôi đang là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, thì anh Mùi mủi lòng. Anh nói đêm nay mi ngủ với tau, tau sắp ra tù rồi, tau hứa ra sẽ đi kêu oan cho mi”, ông Lý kể.

Đêm đó, hai phạm nhân Lý, Mùi tâm sự rất nhiều chuyện. Lý nói nếu anh cứu tôi, anh sẽ phải rất vất vả, vì vụ án đã khép lại rồi và mọi bằng chứng đều được hợp lý hóa trông rất khoa học. Nếu muốn lật được vụ án, anh phải làm thế này, thế này... Mùi gật đầu, nắm tay Lý thề rằng, đó là trách nhiệm của mình và dù có khó đến đâu cũng phải tìm ra sự thật.

Phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Lý kêu oan, nhưng tòa bác đơn, y án. Lý thụ án ở Trại giam số 6 (Huyện Thanh Chương, Nghệ An). Hàng trăm lá đơn được Lý viết gửi cho trại, chuyển cho gia đình để đi kêu oan. “Cha tôi ôm đơn lặn lội đi kêu oan khắp nơi, nhưng vô vọng, không thấy cơ quan nào hồi đáp”, ông Lý nói.

Ra tù, Mùi mượn chiếc xe đạp, oằn lưng đạp gần hết buổi mới tìm được nhà ông Huỳnh. Như một thám tử, Mùi tự dựng lại hiện trường vụ án để tính toán quãng đường, thời gian gây án nhằm tìm hung thủ vụ án, nhưng đoạn đường đất nơi hiện trường vụ án đã bị sạt lở, thay đổi hiện trạng rất nhiều. Mùi thở dài quay về.

2 năm sau, Lý được chuyển đến Trại giam số 3 (huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Từ trại đến nhà Mùi chỉ khoảng vài cây số. Trong lần ra làm đồng, Lý nhắn bọn trẻ chăn trâu nói với Mùi lên trại thăm Lý. Mùi nhận tin thì lập tức chạy đến. Mùi kể lại lần trước lên thăm nhà, xem hiện trường nhưng giờ đã thay đổi nhiều lắm. Lý nói, anh cứ lên tiếp đi, đừng nản, tôi chỉ cách cho.

Phá án

Khi đã thành án, ở trại giam, một lần ông Huỳnh đến thăm, Lý nói với ông: “Cha về tìm một con dao lá lúa, tương tự như con dao Công an đã thu đâm vào con lợn xem vết thương nó thế nào, có giống vết thương ở ngực thằng Vinh như công an mô tả không”. Ông Huỳnh về nhà tìm dao, mang lợn ra chém và vết thương bên lưỡi dao vết cắt rất sắc nhưng bên sống dao thì không. “Từ căn cứ này, tôi suy đoán, người đâm chết Vinh đã dùng con dao có 2 lưỡi vì hai bên vết thương đều có vết cắt sắc như nhau.

Thời điểm trước vụ án mạng, ở quanh xóm không có ai mâu thẫn với anh em Bùi Văn Lai và Bùi Văn Vinh - nạn nhân bị đâm, nên khả năng chắc chắn là trong khi Lai bỏ chạy, đã ném lựu đạn, sau đó do trời tối, tưởng em mình là người nhà chúng tôi chạy đuổi theo nên đã quay lại đâm nhầm. Khi gặp anh Mùi, tôi nói anh cứ điều tra theo hướng này là sẽ rõ”, ông Lý kể.

Ở tù, Cao Tiến Mùi từng là kẻ quậy phá, hay đánh tù nhân khác, bị gọi lên kiểm điểm liên tục nên có chút kinh nghiệm hỏi cung. “Nếu để bộ dạng một thằng tù về thì không thể khuất phục được một tay khá dày kinh nghiệm, và từng đi lính mấy năm như Bùi Văn Lai, nên tôi phải giả dạng”, ông Mùi kể. Mùi đi mượn được bộ quần áo còn khá mới, khoác chiếc áo măng tô bên ngoài, tay xách một chiếc ca táp rồi gù lưng đạp xe lên xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp) tìm nhà Bùi Văn Lai. Khi gần đến nhà, anh gửi xe đạp vào một nhà người quen, rồi ra đường đứng và vẫy được một xe ô tô con chạy qua để xin quá giang. “Tui phải làm thế để vào vai một điều tra viên cho Lai khỏi nghi ngờ, vì tôi chẳng có giấy tờ gì ngoài cái đơn kêu oan của Lý”, ông Mùi nhớ lại.

Mùi vào nhà Lai, chào hỏi, giới thiệu là điều tra viên của Viện Kiểm sát đến xác minh đơn kêu oan của phạm nhân Lý. “Ban đầu, tôi thấy sắc mặt của Lai bình thường, nhưng sau khi tôi đưa đơn kêu oan của Lý cho anh ta đọc, thì mặt của Lai biến sắc. Tôi nghĩ là mình đã thành công”, ông Mùi kể. Nhưng đọc xong đơn, với khuôn mặt lạnh tanh, “nghi phạm” Lai bác bỏ chuyện mình đâm nhầm em trai.

“Thấy sắc mặt của Lai khi đọc đơn kêu oan của Lý, tôi đoán anh ta có tật giật mình, là thủ phạm, nhưng làm cách nào để buộc anh ta phải nhận tội thì rất khó”, ông Mùi nói. Khoảng vài tuần sau, Mùi lại mượn quần áo, xe đạp, mang cặp đến nhà Lai để điều tra tiếp nhưng cũng không thu được kết quả gì.

Chừng 1 tháng sau, Mùi chọn ngày Chủ nhật rồi đạp xe lên nhà Lai với quyết tâm “lần này không phá được án không về”. Cũng như mọi lần, anh gửi xe đạp ở nhà người quen rồi đến nhà Lai để “hỏi cung”. Sau chừng nửa tiếng đấu lý, “điều tra viên” Mùi đã bất ngờ hạ được nghi phạm khá lỳ này. Lai bật khóc nhận tội. 

Hôm đó, Bùi Văn Lai đã viết toàn bộ lời khai vụ án, thừa nhận đã dùng lưỡi lê mang theo đâm em trai chết vào đêm 28 tháng Chạp, vì nhầm tưởng người nhà ông Huỳnh đuổi theo. Sau khi biết đâm nhầm, Lai cõng em chạy bộ khoảng 1km thì gặp một xe ô tô chạy ngược lên huyện liền vẫy xe để đưa em đi bệnh viện cấp cứu, nhưng Vinh đã tử vong. Sau đó, Lai viết đơn tố cáo người nhà ông Huỳnh giết em mình để trốn tội. Giấy thú tội này được Chủ tịch UBND xã Nghĩa Xuân lúc đó ký, đóng dấu xác nhận là có thật, làm cơ sở để giải oan cho tù nhân Nguyễn Sĩ Lý.

Bài 3: Số phận người tù “hai ngàn ngày oan trái”: Nỗi oan hóa giải, nỗi buồn chưa nguôi


Tin cùng chuyên mục
Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Ngọc Hồi (Kon Tum): Phấn đấu 100% hộ DTTS có đất ở, đất sản xuất

Thời gian qua, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào DTTS. Qua đó, giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.