Về hoạt động mua bán nợ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015.
Đây là văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Một trong những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung đưa vào dự thảo là việc tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán nợ. Quy định này phải phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua bán nợ…
Liên quan đến định giá khoản nợ, dự thảo quy định tổ chức tín dụng có quyền thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện nghĩa vụ mua, bán nợ đối với mua bán nợ theo phương thức thỏa thuận, giá khởi điểm đối với mua, bán nợ theo phương thức bán đấu giá để hội đồng mua, bán nợ quyết định.
Về lý do sửa đổi Thông tư 09, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình mua bán nợ theo Thông tư 09, các ngân hàng phản ánh có phát sinh một số vướng mắc do Thông tư 09 đã có quy định, nhưng chưa hướng dẫn cụ thể để xử lý được một số trường hợp phát sinh trong thực tế.
Cũng liên quan đến hoạt động mua bán nợ, từ giữa tháng 10/2021, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đưa sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động chính thức, trụ sở đặt tại Hà Nội.
Khi đi vào hoạt động, sàn giao dịch nợ sẽ sử dụng các chức năng tư vấn, môi giới để kết nối người mua và người bán có nhu cầu thật sự để gặp nhau, thương thảo và đi đến hợp tác toàn diện để phục hồi sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Hiện sàn giao dịch hướng tới là nơi tập hợp, đầu mối, thông tin về các khoản nợ xấu mà các tổ chức tín dụng mong muốn đưa lên giao dịch mua/bán tại sàn.