Cụ thể, ACB đưa ra thông tin cảnh báo cho biết, hiện nay xuất hiện thủ đoạn giả mạo ACB mời khách hàng đăng nhập link giả và yêu cầu khách hàng cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP.
ACB cho biết ngân hàng này hoàn toàn không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin trên dưới bất cứ hình thức nào.
Trước đó, một số ngân hàng khác cũng đưa ra cảnh báo và hướng dẫn khách hàng đề phòng link giả, không phải của ngân hàng.
BIDV khuyến nghị khách hàng lưu ý một số dấu hiệu lừa đảo, đó là bất ngờ nhận được cuộc gọi, tin nhắn, email, tin trên mạng xã hội thông báo trúng thưởng, nhờ nhận tiền từ nước ngoài chuyển về…
Một dấu hiệu khác là việc khách hàng bất ngờ nhận được cuộc gọi, tin nhắn tự xưng là cán bộ ngân hàng hoặc cán bộ điều tra yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân về tài khoản ngân hàng, hoặc cung cấp thông tin.
Theo đó, BIDV khuyến nghị khách hàng không cung cấp tên, mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng điện tử, không cung cấp OTP, thông tin thẻ, mã số PIN cho bất kỳ đối tượng nào dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên gọi đến tự xưng là cán bộ hỗ trợ khách hàng.
Ngoài ra, người dân cũng không nên truy cập các trang web không đáng tin cậy, không nhập thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử vào bất kỳ trang web hay ứng dụng không chính thức, không đặt chế độ lưu mật khẩu đăng nhập Internet Banking và các dịch vụ ngân hàng điện tử trên các thiết bị sử dụng chung (nhiều người sử dụng), trên máy tính công cộng…
Trong khi đó, Vietcombank cũng cho biết, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng kẻ gian mạo danh tin nhắn thương hiệu Vietcombank gửi SMS có đường link giả mạo nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.
Vietcombank cũng lưu ý, đối tượng gian lận có thể giả mạo danh tính của khách hàng thông qua mạng xã hội cũng như các kênh liên lạc khác như email, điện thoại, thư giấy, SMS... để lừa đảo, gợi ý quý khách cho vay/chuyển tiền tới tài khoản của tin tặc./.