Lao động có trình độ là tài sản vàng của nền kinh tế
Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH), phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao được coi là giải pháp đột phá góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Việt Nam đang nắm trong tay lợi thế lớn, khi có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động dồi dào (chiếm hơn 50% tổng dân số).
Tuy vậy, trình độ và kỹ năng của lao động Việt Nam vẫn còn hạn chế, so với mặt bằng chung của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng mất cân đối về cơ cấu lao động theo ngành nghề, giữa vùng miền, nông thôn và thành thị. Những mặt hạn chế này bộc lộ rõ nét khi xuất hiện các làn sóng của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng, trình độ cao trở nên nghiêm trọng ở nhiều ngành nghề. Một lượng lớn người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, tập trung chủ yếu ở nhóm có trình độ tay nghề thấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên. Trong đó, nguyên nhân cốt lõi là do chưa có cơ chế hiệu quả để kết nối, gắn kết các bên liên quan giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong việc bảo đảm hệ sinh thái, đáp ứng nâng tầm kỹ năng lao động. Các bộ, ngành chưa quan tâm, thực hiện hết trách nhiệm về công tác xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia.
Hiện tại, Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính vì vậy, nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đóng vai trò quyết định đối với việc gia tăng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong báo cáo về năng suất lao động Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trình độ kỹ năng người lao động tác động tích cực đến năng suất lao động tại doanh nghiệp. Nếu tăng 1% các nhóm lao động như: Có chứng chỉ sơ cấp nghề; bằng trung cấp, cao đẳng; bằng đại học trở lên, thì năng suất lao động tăng lên tương ứng là: 0,16%; 0,19%; 0,22%. Cũng theo báo cáo, năng suất lao động đóng góp trong tăng trưởng GDP khoảng 65 - 75%.
Bộ LĐTB&XH đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ
Trước thực trạng trên, Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến về Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo dự thảo, mục tiêu của Đề án là chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, giúp hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao. Qua đó, góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đồng thời, phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng lực lượng lao động Việt Nam, bắt kịp các nước ASEAN và tiếp cận các nước phát triển.
Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động. Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia 4, 5 hoặc trình độ tương ứng. Ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, người lao động thuộc các ngành nghề kinh tế trọng điểm, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khoảng 70% lao động đạt các bậc trình độ còn lại, ưu tiên lao động là thanh niên từ 15 - 30 tuổi. Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, lao động yếu thế.
Bảo đảm cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70% lực lượng lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động quốc tế. Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề lực lượng lao động thuộc nhóm 80 quốc gia đứng đầu.
Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu nói trên bao gồm 8 nhóm chính: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong thời kỳ mới. (2) Tổ chức thông tin, tuyên truyền, tôn vinh về nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. (3) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chuẩn hóa và phát triển kỹ năng lao động. (4) Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và nâng cao năng lực hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. (5) Thúc đẩy đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và hình thành hội đồng kỹ năng ngành, nghề các cấp. (6) Phát triển đội ngũ lao động chất lượng cao, chuyên gia trình độ kỹ năng nghề cao. (7) Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học về phát triển kỹ năng lao động Việt Nam và tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động và (8) tăng cường kiểm tra, đánh giá, tổng kết kết quả nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.