Theo hồ sơ, năm 2008, UBND xã Trường Xuân giao 21ha đất tại khu vực Đăk Nhu cho 3 hộ dân thuộc Chi hội CCB thôn 6 quản lý, bảo vệ. Trong đó, Chi hội trưởng Nguyễn Văn Đạt được chia 10ha; ông Trần Văn Thọ, cán bộ địa chính xã Trường Xuân 5ha và ông Nguyễn Nam Thái 5ha.
Ngày 17/12/2014, ông Nguyễn Văn Hùng được bầu làm Chi hội trưởng thay ông Đạt. Ông Hùng đã phát động Chi hội phát dọn cây cỏ trong diện tích rừng được giao quản lý để trồng cây keo gây quỹ. Cuối tháng 1/2015, các hội viên Chi hội CCB thôn 6 đến vị trí rừng được giao để phát dọn cây bụi, cây leo.
Đến ngày 20/4/2015, cơ quan chức năng đến hiện trường bắt gặp các CCB phát dọn liền thu giữ phương tiện. Sau đó, nhóm CCB trên bị khởi tố về hành vi hủy hoại rừng. Năm 2017, Tòa án Nhân dân (TAND) thị xã Gia Nghĩa và TAND tỉnh Đăk Nông đã xét xử, tuyên phạt mỗi CCB 6 - 7 tháng tù giam.
Thụ án xong, 6 CCB liên tục gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để kêu oan. Tháng 5/2020 vừa qua, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã có kháng nghị hủy các bản án phúc thẩm và sơ thẩm vì không đủ cơ sở kết tội các bị cáo, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh thụ lý điều tra lại.
CCB Nguyễn Nam Thái bày tỏ niềm vui khi nhận được quyết định Giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm từng kết tội ông và 5 CCB khác về tội hủy hoại rừng.
“Chúng tôi chỉ mong vụ án được điều tra lại một cách công tâm, rõ ràng. Chúng tôi đều là CCB, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn mang theo. Chúng tôi muốn mọi chuyện được làm sáng tỏ. Kết tội chúng tôi hủy hoại rừng thì phải có cơ sở, căn cứ thuyết phục”, ông Thái cho biết.
Tại bản kháng nghị Giám đốc thẩm, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã phân tích nhiều điểm mấu chốt chưa rõ ràng và sai Luật Tố tụng. Ví dụ như các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đăk Nông chưa điều tra, xác minh diện tích đất thuộc lô 3, 6 khoảnh 1, Tiểu khu 1710 là rừng tự nhiên, đất trống hay đất nông nghiệp.
Các cơ quan tố tụng xác định, nơi xảy ra vụ án là rừng. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh nơi xảy ra vụ án là rừng, chủng loại rừng… Hơn nữa, số liệu diện tích rừng bị phá cũng bất nhất.
Cụ thể: Tại biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 21/4/2015, diện tích rừng bị xâm hại là 0,98ha; bản Kết luận giám định ngày 28/4/2015 cũng thể hiện, diện tích rừng bị xâm hại là 0,98ha. Nhưng đến ngày 21/7/2015, sau khi kiểm tra lại hiện trường, cơ quan điều tra xác định, diện tích rừng bị xâm hại là 0,8ha. Tại bản kết luận giám định ngày 14/7/2016 xác định diện tích rừng bị xâm hại là 0,78ha…
Bản kháng nghị còn nêu rõ: “Việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại không được giám định viên có chuyên môn giám định mà căn cứ vào biên bản xác minh hiện trường không có giá trị pháp lý, nên kết luận giám định ngày 14/7/2016 cũng không có giá trị pháp lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả nêu trên để điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 89 Bộ luật Hình sự năm 1999 và một số quy định khác, hành vi hủy hoại rừng phải có từ 5.000m2 (đối với rừng sản xuất), mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra xác định, các bị cáo thực hiện hành vi chặt phá rừng trong 4 ngày gồm: 19 và 20/4/2015; 24 và 25/1/2015. Trong đó, diện tích rừng bị xâm hại trong ngày 24 và 25/1/2015 là 4.000m2.