Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sản xuất nông nghiệp thông minh ở Hòa Bình: Nông dân hưởng lợi cao

Nghĩa Hiệp - 17:45, 13/03/2021

Xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh và an toàn theo chuỗi liên kết, là hướng đi đang được tỉnh Hòa Bình khuyến khích triển khai rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Bởi từ thực tế triển khai, khi ứng dụng công nghệ cao (CNC) và tham gia chuỗi liên kết sản xuất, giúp nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, nhờ đó mà nông dân được hưởng lợi cao.

Mô hình cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân tỉnh Hoà Bình.
Mô hình cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP của nông dân tỉnh Hoà Bình.

Ứng dụng công nghệ sản xuất

Nông nghiệp thông minh, có thể hiểu là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC), công nghệ sản xuất, cùng với việc tham gia chuỗi liên kết nên ngay từ đầu, nông dân được hỗ trợ lựa chọn cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; ứng dụng công nghệ trong bảo quản sản phẩm an toàn… theo các tiêu chuẩn, quy trình VietGAP, bảo đảm giá trị đầu ra sản phẩm.

Minh chứng thời gian qua, Hợp tác xã (HTX) Mường Động, huyện Kim Bôi đã thực hiện Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả tại các xã: Tú Sơn, Đú Sáng, Vĩnh Tiến, Bình Sơn với quy mô 125ha. Sản phẩm chủ lực là cây ăn quả có múi. Sản phẩm được liên kết với Công ty CP Sản xuất và Chế biến nông sản số 1 Hà Nội và Công ty TNHH Chuẩn nông Việt Nam. Tổng kinh phí thực hiện Dự án trên 12,8 tỷ đồng.

Khi tham gia Dự án này, người nông dân có đất, được tham gia tập huấn miễn phí; khi trở thành các thành viên của HTX được đơn vị cung cấp giống cây trồng, kỹ thuật chăm sóc theo các tiêu chuẩn, quy trình VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong và sau khi thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Thắng, thành viên HTX cho biết: Qua đánh giá, mỗi ha đất sản xuất cây có múi tham gia Dự án tăng 2 triệu đồng/năm do giảm được giá thành vật tư đầu vào, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật; giá trị sản phẩm tăng ít nhất 10% so với sản phẩm cùng loại không tham gia Dự án.

Liên kết để phát triển

Hiện nay, nhiều đơn vị HTX khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng triển khai phát triển nông nghiệp với xu hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng vào các mô hình như: Trồng rau hữu cơ, trồng cây có múi, chăn nuôi... Đây là những chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp, thông qua kết nối của các HTX và tổ hợp tác theo phương thức doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại tổng hợp và bao tiêu đầu ra của sản phẩm.

Anh Bùi Trung Quyết, dân tộc Mường, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu chia sẻ, khi anh tham gia chuỗi liên kết sản xuất rau hữu cơ, được HTX hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và cho mượn thiết bị tưới tiêu. Nhờ vậy, cây rau được chăm sóc theo đúng quy trình, tiêu chuẩn, được HTX bao chọn đầu ra. Mỗi năm gia đình anh có thu nhập hơn 90 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng quy mô lớn, tập trung nâng cao giá trị nông sản, gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là chủ trương, chiến lược của tỉnh. Vì vậy, tỉnh luôn tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp, đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh, qua đó, xây dựng được chuỗi các sản phẩm cũng như khẳng định thương hiệu nông sản địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Theo thống kê, Hòa Bình hiện có 104 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tại 11 huyện, thành phố. Trong đó, đầu tư đối với nông nghiệp CNC chiếm khoảng 25 - 30%. Tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản. Điển hình như: Phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt; phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP...; nhờ đó mà sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp đã được dán tem truy xuất nguồn gốc.



Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.