Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sản xuất nông nghiệp ở miền núi trước biến đổi khí hậu: Áp lực đất sản xuất (Bài 1)

Khánh Thi - CĐ - 17:58, 15/09/2021

Với hầu hết các tỉnh, thành vùng DTTS và miền núi, sản xuất nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Nhưng trước biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, “trụ đỡ” này đang có nguy cơ lung lay, đòi hỏi phải có những thay đổi phù hợp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh (CSA) để thích ứng.

Sau mưa lũ, sinh kế cho ngưởi dân là vấn đề được quan tâm hàng đầu (Ảnh minh họa)
Sau mưa lũ, sinh kế cho ngưởi dân là vấn đề được quan tâm hàng đầu (Ảnh minh họa)

Sản xuất nông nghiệp đang phải đối mặt với sự cạnh tranh nguồn lực (đất sản xuất) ngày càng gay gắt từ các ngành công nghiệp và dịch vụ khác cũng như áp lực cạnh tranh về sử dụng đất trong chính khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Áp lực cạnh tranh này càng gay gắt hơn trước sự xâm lấn đất do thiên tai.

Mất sinh kế trước mắt

Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị) là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề bởi lũ quét và sạt lở đất vào tháng 10 năm ngoái. Lũ quét cùng sạt lở đất đã vùi lấp hàng loạt ngôi nhà, trường học, trạm y tế, công sở cùng nhiều diện tích cây trồng. Nguy cơ thiên tai ở Hướng Việt vẫn luôn rình rập bởi xã nằm giữa một thung lũng được bao quanh bởi đồi núi.

Ông Hồ Văn Phức, thôn Xa Đưng (xã Hướng Việt) cho biết, năm ngoái, mưa lũ đã làm một phần núi Ka Lóc sạt lở, vùi lấp nhiều căn nhà của người dân. Sau thiên tai, nhà cửa đã được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng lại. Nhưng bà con trong thôn vẫn lo lắng bởi núi Ka Lóc còn nguy cơ sạt lở khi mùa mưa lũ về.

Vấn đề khiến người dân ở Hướng Việt lo lắng là sinh kế. Sau mưa lũ năm ngoái, diện tích lúa nước vốn ít ỏi của xã gần như bị xóa sổ; diện tích trồng lúa rẫy, sắn, ngô cũng bị thu hẹp vì sạt lở.

Tương tự Hướng Việt, người dân ở xã Hướng Lập (cũng thuộc huyện Hướng Hóa) đang loay hoay bài toán sinh kế. Trước đây, dù là xã vùng cao nhưng Hướng Lập là xã có diện tích lúa nước thuộc diện lớn nhất của huyện, người dân có thể tự chủ một phần lương thực. Nhưng nay người dân lại đứng trước nguy cơ thiếu ăn do đợt mưa lũ tháng 10/2020, diện tích trồng lúa trên địa bàn đã bị vùi lấp, nay còn chưa tới một nửa.

Đây cũng là tình cảnh chung của hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Theo thống kê, toàn huyện hiện có khoảng 1.600 ha đất trồng lúa nước; nhưng chỉ trong đợt mưa lũ tháng 10/2020 đã có khoảng 400 ha bị bồi lấp từ 0,4 m - 1 m, trong đó có nhiều diện tích bị đất đá bồi lấp nặng hầu như không thể sản xuất.

Nguy cơ diện tích đất canh tác ít ỏi ở Hướng Hóa tiếp tục sẽ bị thiên tai xâm lấn trước biến đổi khí hậu. Theo xác định của cơ quan chức năng, toàn huyện hiện có 15/22 xã, thị trấn nằm trong vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét với 1.034 hộ sinh sống; 14/22 xã, thị trấn thuộc vùng nguy cơ chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, với 746 hộ sinh sống.

Tác động lâu dài

Cũng như huyện Hướng Hóa của tỉnh Quảng trị, đất sản xuất tại nhiều địa phương của nước ta thường xuyên bị thiên tai xâm lấn đất sản xuất. Sự xâm lấn này diễn ra thường xuyên, liên tục trước biến đổi khí hậu, khiến quỹ đất sản xuất vốn đã ít, manh mún, càng lúc càng bị thu hẹp hơn.

Mưa lũ vùi lấp, xâm lấn đất canh tác (Trong ảnh: Người dân xã Húc, huyện Hướng Hóa cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp do mưa lũ để canh tác lúa nước)
Mưa lũ vùi lấp, xâm lấn đất canh tác (Trong ảnh: Người dân xã Húc, huyện Hướng Hóa cải tạo đồng ruộng bị bồi lấp do mưa lũ để canh tác lúa nước)

Một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam (IPSARD) cho thấy, quỹ đất nông nghiệp ở nước ta tương đối thấp; sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa trên quy mô nông hộ (0,6 ha/hộ sản xuất). Đáng chú ý, trong số 11,3 triệu người sử dụng đất nông nghiệp hiện nay thì có 69% đang canh tác trên diện tích dưới 0,5 ha đất, chỉ có khoảng 6,2% số hộ có từ 2 ha trở lên.

Đặc biệt, quỹ đất sẽ ngày cảng thu hẹp do biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu của IPSARD cho thấy, biến đổi khí hậu dự kiến làm giảm khoảng 12% diện tích sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng và 24% ở Đồng bằng Sông Cửu Long… Theo nghiên cứu của IPSARD, trong số 84 quốc gia đang phát triển vùng ven biển và chịu ảnh hưởng của nước biển dâng, Việt Nam là nước đứng thứ hai về về những tác động tới diện tích đất và sản xuất nông nghiệp.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và nhiều loại thiên tai hàng năm. Tính riêng trong 20 năm trở lại đây, các loại thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất… đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại tài sản trên 6,4 tỷ USD. Đồng thời, khoảng 60% diện tích đất và hơn 70% dân số đứng trước rủi ro hứng chịu thảm họa từ thiên tai.

Biến đổi khí hậu làm cho thiên tai ngày càng cực đoan, tác động nặng nề hơn đến sản xuất nông nghiệp. Mới đây, chỉ sau cơn bão số 5, theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 12/9/2021, mưa lũ đã làm 8.160ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại. Trong đó, Quảng Bình có 291ha, Quảng Trị 303ha, Quảng Nam: 3.169ha; Quảng Ngãi: 4.008ha; Kon Tum 389ha. Ngoài ra còn có 28ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (Quảng Trị 8ha; Quảng Nam: 9ha; Quảng Ngãi: 11ha).

Nhưng đó là ảnh hưởng trước mắt, về lâu dài, thiên tai đã bào mòn chất lượng đất sản xuất. Theo thống kê của IPSARD, hiện có 5,1 triệu ha đất đang bị xói mòn nghiêm trọng và 2 triệu ha khác bị cạn kiệt chất dinh dưỡng trong đất.

Chất lượng đất suy thoái khiến áp lực về đất đai càng thêm trầm trọng; đồng thời, dưới tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng phức tạp hơn. Cộng hưởng các yếu tố này sẽ khiến cho năng suất trong sản xuất nông nghiệp sẽ có xu hướng giảm nếu vẫn canh tác theo phương thức truyền thống.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.