Là 1 trong 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân, nhằm đạt được sự đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao.
Cần công cụ chính sách hữu hiệu
Nhiều đại biểu cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định việc thúc đẩy mở rộng các cơ chế, cách thức phù hợp, hiệu quả, giúp người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội.
Chung quanh dự thảo nghị quyết “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, qua thảo luận, các đại biểu nghị viện thành viên AIPA nhận định, ASEAN là khu vực kinh tế năng động, nhưng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Theo đó, biến đổi khí hậu tác động rất lớn cuộc sống, sinh kế của người dân khu vực ASEAN. Do vậy, các nước cần tăng cường hợp tác áp dụng công nghệ kỹ thuật số để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, nghị viện các nước thành viên cần có công cụ hữu hiệu về chính sách để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đại diện Đoàn Việt Nam tham dự nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh quan điểm ủng hộ dự thảo nghị quyết. Là một trong số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đã rất chủ động, tích cực tham gia các thỏa thuận quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đoàn Việt Nam đề nghị nghị viện các nước tiếp tục duy trì ý chí, cam kết chính trị, có hành động cụ thể với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, đóng góp thiết thực vào chương trình nghị sự toàn cầu, nhất là AIPA.
Từ đó có sức lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của khu vực và nhân loại, đưa vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trở lại ưu tiên trong Chương trình nghị sự toàn cầu gắn liền với an sinh xã hội và phát triển bền vững.
Ứng dụng công nghệ phục vụ bầu cử
Malaysia đề xuất dự thảo nghị quyết về vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn. Ủng hộ dự thảo nghị quyết theo đề xuất của Malaysia, đoàn Việt Nam cho rằng Ủy ban Xã hội AIPA có thể thảo luận thêm nhiều hơn về dự thảo nghị quyết này.
Nhân dịp này, đoàn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việt Nam đã áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ vận động bầu cử và tổ chức bầu cử.
Dự thảo nghị quyết thứ ba được Ủy ban Xã hội xem xét là “Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia”, do Maylaysia đề xuất.
Khẳng định quan điểm ủng hộ dự thảo nghị quyết, Đoàn Việt Nam đề nghị bổ sung thêm một số nội dung liên quan vai trò của Quốc hội trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể là Tuyên bố Hà Nội về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” được Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 thông qua, Bộ công cụ tự đánh giá vai trò của các Nghị viện trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Vấn đề quan trong nữa là thúc đẩy hợp tác nghị viện khu vực trong sản xuất vaccine phòng chống dịch bệnh góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững trong nhiều năm tới.
Tại phiên họp Ủy ban Xã hội AIPA năm ngoái được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội, lãnh đao Quốc hội Việt Nam đã nhấn mạnh, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vaccine, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, việc chẩn đoán sớm về các bệnh nguy hiểm và trang thiết bị y tế có chất lượng, để có giá cả phải chăng và công bằng là một trong những ưu tiên để ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro của Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác trong quá trình phát triển bền vững của mỗi nước và của cả cộng đồng ASEAN./.
Phiên họp của Ủy ban Xã hội chiều nay, 24/8, diễn ra dưới sự chủ trì của bà Khairunnisa Haji Ash’ari, Thành viên Hội đồng Lập pháp Brunei Darussalam.
Các Nghị viện thành viên AIPA đã tiến hành thảo luận về các dự thảo nghị quyết, bao gồm:
Báo cáo Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4); tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (Brunei Darussalam đề xuất); Vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn (Malaysia đề xuất); Đưa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia (Malaysia đề xuất).