Tuy nhiên, tại các tỉnh miền núi nói chung, các tỉnh miền núi phía Bắc nói riêng, Chương trình xây dựng NTM đang gặp không ít khó khăn, trở ngại. Trong đó, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng bởi các phong tục, tập quán của mỗi vùng miền.
Đến thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang), tôi rất ấn tượng với những ngôi nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương của người Mông nằm trong khuôn viên được bao bọc bởi những bức tường rào xếp bằng đá. Vào mùa Xuân, những nếp nhà của đồng bào trở nên hữu tình, thơ mộng bởi được điểm xuyến thêm những cành hoa mơ, hoa mận, hoa đào... Ấy vậy mà khi bước vào khuôn viên của nhiều hộ gia đình, người bạn đi cùng tôi đã phải nhăn mặt, chun mũi bởi một mùi hôi bốc lên nồng nặc từ những chuồng bò nằm sát bên chái nhà.
Anh Vừ Mí Say (24 tuổi) ở thôn Đoàn Kết vừa tháo bó cỏ để tuồn vào máng cho bò ăn, vừa nói với chúng tôi: Nhà mình chỉ có gần 200m đất vừa để làm nhà, vừa làm chuồng bò thôi. Xung quanh đều là đất của nhà khác, mình không làm chuồng bò ở đây thì cũng không biết làm ở đâu, vì đất vườn hẹp quá mà!
Chuồng bò của gia đình anh Say được bố trí ngay trước sân, cách hiên nhà chỉ vài mét. Anh đào thêm một cái hố ở bên cạnh để lấy phân bón ngô. Mùi phân từ đây “tỏa” ra nồng nặc, bay theo gió len lỏi vào tận bên trong ngôi nhà. Vào những ngày mưa, nước từ hố phân tràn ra chảy xuống cả ngõ nhà hàng xóm gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường cho các gia đình xung quanh. Còn những ngày nắng thì mùi xú uế bốc lên, lũ ruồi nhặng thi nhau bay đến vo ve, mang theo bao nhiêu ký sinh trùng từ đây phát tán đi khắp nơi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Còn gia đình bà Vừ Dống Mị ở thôn Đoàn Kết thì nuôi 4 con bò nhốt. Bà xây dựng hệ thống chuồng bò khá kiên cố với sàn chuồng 4 ngăn, phía dưới là hệ thống bể chứa phân rộng khoảng 10m2, xung quanh được bao chắn bởi bờ rào bằng đá. Do bể chứa được xây lộ thiên, không có nắp đậy và gần sát với nhà ở nên mùi chất thải bốc lên nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường...
Tập quán nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn hoặc nuôi nhốt gia súc tại chuồng bố trí gần sát nhà ở của đồng bào DTTS vùng cao đã được các nhà nghiên cứu văn hóa và các nhà quản lý nêu ra tại Hội thảo có chủ đề “Ảnh hưởng của phong tục tập quán các DTTS khu vực miền núi phía Bắc đến hiệu quả xây dựng NTM”.
Các ý kiến nêu ra tại Hội thảo đều xác định, một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là phải rà soát, thống kê một số phong tục tập quán tiêu biểu của đồng bào DTTS đang sinh sống tại khu vực miền núi phía Bắc. Từ đó, phát huy những yếu tố tích cực, đồng thời khắc phục, hạn chế những yếu tố chưa phù hợp, còn lạc hậu đang ảnh hưởng đến hiệu quả xây dựng NTM.
Tiến sĩ Đặng Thị Hoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu gia đình và giới, thành viên tham gia khảo sát Đề tài cho biết: “Theo tập quán đồng bào DTTS thường chăn nuôi gia súc thả rông hoặc nuôi nhốt ngay dưới gầm sàn nhà. Đối với nhiều tộc người, gia súc chứng tỏ sự quyền uy nên họ rất ngại nuôi, nhốt xa chỗ ở.
Tuy nhiên, trong xây dựng NTM, tiêu chí về môi trường rất quan trọng. Thực tế, tại các điểm mà đoàn khảo sát thì phần lớn các gia đình DTTS chưa đảm bảo được khoảng cách tiêu chuẩn giữa nhà ở và chuồng nuôi, nhốt gia súc”.
Còn ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh cũng nêu ví dụ: Đồng bào Sán Chỉ vốn có thói quen để chuồng trại trâu bò, lợn gà ngay sát nhà, vừa để tiện trông nom, vừa tiện chăm sóc.
Người Dao thì nhiều năm về trước, nhà nào cũng có 1 thùng nước tiểu để trong góc bếp… Nay xây dựng NTM, muốn bà con bỏ thói quen này cũng không thể “một sớm một chiều” mà phải phân tích, vận động dần dần. Bên cạnh đó, do bà con chủ yếu là hộ nghèo, để bà con di dời, xây sửa nhà vệ sinh thì phải có sự quan tâm, hỗ trợ về kinh phí.
Không chỉ tập quán chăn nuôi gia súc ảnh hưởng đến tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, một số tiêu chí như: Quy hoạch, hạ tầng về chợ, nhà văn hóa, đường giao thông, thủy lợi; khu nghĩa trang; thu nhập, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tỷ lệ sử dụng nước sạch… cũng được các đại biểu tham dự Hội thảo đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù văn hóa, kinh tế-xã hội vùng miền núi phía Bắc.
Phó Giáo sư Trần Trung, Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, qua thực tế triển khai 19 tiêu chí của Chương trình quốc gia xây dựng NTM, nhiều tiêu chí liên quan đến văn hóa thực hiện tại vùng đồng bằng thì phù hợp, nhưng ở vùng núi lại chưa hợp lý.
Để hạn chế những ảnh hưởng không có lợi của các phong tục tập quán của các nhóm DTTS đến việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, chúng ta cần có kế hoạch tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các nội dung liên quan đến hôn nhân, gia đình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống… Phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp, hạn chế, loại bỏ những tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với cuộc sống mới hôm nay.
NGỌC ÁNH