Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo nhấn mạnh, việc rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi phải sát với từng địa bàn, khu vực, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, hiệu quả.
Bà Đỗ Thị Thu Thảo bày tỏ, các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo sẽ cùng nhau hiến kế, giúp Hội LHPN Việt Nam có những hoạch định rõ ràng về nội dung, hướng đi, đáp ứng nhu cầu cần thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn tới.
Tại Hội thảo, bà Lò Thị Thu Thủy - Trưởng Ban Dân tộc - Tôn giáo (Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Sau 4 năm triển khai Dự án, tại 40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) đã tập trung vào đẩy mạnh thực hiện các nội dung cụ thể như: Tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển KT-XH; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS....
Tính đến hết tháng 10/ 2024, đã có 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn 1, như: “Tổ truyền thông cộng đồng”, “Củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; 15/40 tỉnh đạt và vượt một số chỉ tiêu, như: Hà Giang, Bắc Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thanh Hóa...
Theo bà Lò Thị Thu Thủy, chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình, tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục có giải pháp khắc phục và thúc đẩy thực hiện để đạt mục tiêu của Chương trình nói chung và Dự án nói riêng.
"Hội thảo ngày hôm nay là dịp để thảo luận các giải pháp để thực hiện hoàn thành hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu của Dự án 8 giai đoạn 1. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2026 - 2030", bà Lò Thị Thu Thủy cho biết.
Hội thảo diễn ra 2 phiên, phiên thứ 1 các chuyên gia, đại diện bộ, ngành đã chia sẻ, thảo luận về việc lồng ghép giới và giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay: Thực trạng và giải pháp thúc đẩy. Trong phiên 2, các đại biểu đã tham vấn xác định vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi cần ưu tiên trong thời gian tới.
Trao đổi tại Hội thảo, ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719 đánh gia cao sự nỗ lực của Hội Phụ nữ các cấp trong việc triển khai thực hiện Dự án 8 đã đạt được những kết quả tích cực. Ông Hà Việt Quân cho rằng, dù đã đạt được các kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn vướng mắc, bất cập, một số nội dung chưa thể triển khai.
Theo ông Hà Việt Quân, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cần tham gia đánh giá, hiệu quả lồng ghép từ các dự án, tiểu dự án khác góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời đề nghị Hội LHPN Việt Nam cần tăng cường điều tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án được hiệu quả hơn.
Còn Ts. Phạm Thái Hưng - Chuyên gia độc lập cho rằng: Dự án 8 chỉ là một dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719. Dự án 8 được thiết kế chỉ có thể giải quyết được một số khía cạnh về bình đẳng giới (BĐG), lại giới hạn trong khu vực “lõi nghèo” của vùng đồng bào DTTS và miền núi, khả năng đạt được mục tiêu BĐG của Chương trình MTQG 1719 và của Đề án tổng thể không phụ thuộc vào kết quả thực hiện Dự án 8.
Theo Ts. Phạm Thái Hưng, để giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi trong giai đoạn tiếp theo cần phải có thay đổi căn bản về cách thức tiếp cận bình đẳng giới, mở rộng địa bàn, có cơ chế lồng ghép giới vào các dự án, tiểu dự án khác thì mới có thể thúc đẩy bình đẳng giới được hiệu quả. Có như vậy đến năm 2030 mới có thể đạt được những mục tiêu bình đẳng giới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.