Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Công tác Dân tộc - Chính sách dân tộc

Quyết chí "làm thầy” ở cái tuổi xưa nay hiếm

Anh Ngọc - 16:57, 16/09/2022

Dưới hiên của căn nhà sàn nhỏ đơn sơ, nhuốm màu của thời gian, ông Lường Văn Chựa ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện yên Châu, tỉnh Sơn La dù tuổi đã gần 80, mái tóc bạc trắng, thế nhưng ông vẫn miệt mài nghiên cứu, ghi chép lại những làn điệu khèn bè của dân tộc mình. Vì không muốn mất đi tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái mà ông Chựa quyết “làm thầy” để trao truyền cho thế hệ trẻ mạch nguồn văn hoá mà ông tâm huyết, trăn trở…

Ông Lường Văn Chựa người dân tộc Thái, ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La luôn đam mê với văn hóa của dân tộc mình
Ông Lường Văn Chựa người dân tộc Thái, ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La luôn đam mê với văn hóa của dân tộc mình

Đam mê làn điệu khèn bè từ tuổi thơ

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Châu có bề dày văn hóa; tiếng trống chiêng, tiếng hát, tiếng khèn trong các lễ hội của bản Mường dường như đã ngấm vào máu thịt của ông Chựa ngay từ nhỏ.  Tiếng khèn còn theo chân ông Chựa ra tận chiến trường. Có lần, ông tâm sự với cánh “chiến hữu” rằng nhớ tiếng khèn bè da diết. Khi được về phép, ông Chựa không quên mang theo cây khèn bè để khoe cùng các chiến hữu. Kể từ đó, mỗi lần đơn vị biểu diễn văn nghệ sau những ngày hành quân chiến đấu thì điệu khèn của ông Chựa lại vang lên cùng những tiết mục đắm say lòng người.

Sau khi xuất ngũ, ông Chựa chuyển sang công tác tại địa phương. Nhận thấy những làn điệu khèn bè là vốn quý của đồng bào Thái, nếu bị lãng quên thì rất đáng tiếc, chính vì vậy ông đã tích cực sưu tầm những làn điệu cổ cùng cách trình diễn để truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Khèn bè có nhiều làn điệu, có thể diễn tả được các bài hát dân ca, làm nhạc nền cho điệu múa xòe hay đệm theo các ca khúc sáng tác mới. Khèn bè còn là lời nói tâm tình gắn với mọi sinh hoạt của đồng bào. Trai gái giao duyên thì thổi khèn thay cho lời gọi người yêu.

Khi sinh hoạt tập thể, tiếng khèn cất lên để mời mọi người bước vào vòng xòe tăng tình đoàn kết, gắn kết cộng đồng. Mỗi dịp lễ, tết, về nhà mới, mừng đám cưới, khèn lại được cất lên cùng tiếng sáo, trống, chiêng rộn ràng.

Ông Lường Văn Chựa truyền dạy làn điệu khèn bè cho đồng bào nơi vùng núi cao Sơn La
Ông Lường Văn Chựa truyền dạy làn điệu khèn bè cho đồng bào nơi vùng núi cao Sơn La

“Muốn thổi được khèn trước hết phải hiểu về cấu tạo của nó. Khèn là một nhạc cụ được làm từ những ống nứa loại nhỏ, mỏng. Mỗi chiếc khèn có 14 ống nứa chia làm hai bè gồm 7 đôi kết lại với nhau theo hình bậc thang.

Nhìn chiếc khèn như một bè nứa, chính vì thế nhạc cụ này được gọi là khèn bè. Bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu bịt kín bằng sáp ong, một đầu để thổi. Bộ phận quan trọng nhất là lưỡi khèn làm bằng đồng sẽ quyết định đến chất lượng âm thanh. Người thổi phải biết thẩm âm để điều chỉnh cho phù hợp với giai điệu. Ông Chựa nói.

Với mong muốn gìn giữ làn điệu khèn bè, ông đã tích cực truyền dạy cho thanh niên trong bản và những địa phương xung quanh. Những lớp học nhạc cụ truyền thống được mở ra, ông đến từng điểm hướng dẫn kỹ thuật thổi khèn.

Đặc biệt, khi huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La ra chủ trương bảo tồn khèn bè, ông Lường Văn Chựa được mời làm nhóm trưởng “Nhóm bảo tồn văn hóa huyện Yên Châu” để trực tiếp truyền dạy cho đồng bào các dân tộc trong huyện.

Truyền dạy văn hóa dân tộc Thái cho thế hệ trẻ

Không chỉ miệt mài lưu giữ những làn điệu khèn bè, ông Chựa còn dày công gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc Thái. Nhận thấy tiếng, chữ của đồng bào dân tộc Thái đang có nguy cơ mai một khi nhiều người trẻ không biết đến tiếng, chữ, làn điệu dân ca.

Năm 2016, ông Chựa đề xuất với Chi bộ bản Ngùa, nơi mà ông sinh sống cho mượn nhà văn hóa bản để mở lớp dạy chữ Thái tại bản. Lớp đầu tiên của ông có 22 học viên theo học. Do âm điệu của người Thái Yên Châu khác với những vùng khác nên ông phải tìm hiểu, biên soạn từ những cuốn sách của các nghệ nhân văn hóa Thái ở Sơn La sang 2 cuốn sách mới, với âm điệu của người Thái Yên Châu để học viên dễ hiểu, dễ nhớ.

Ông Chựa, bộc bạch: Người Thái có tiếng nói, chữ viết riêng, tại sao không tôn trọng bản sắc của đồng bào mình. Cho nên, mình phải giữ lấy những bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, đừng để nó mất đi. Học được chữ Thái thì khai thác được bao nhiêu quyển sách, có những bài "Quam xòn côn" tức là lời răn dạy người. Nhưng nếu không học thì sẽ không khai thác được những kinh nghiệm của cha, ông đúc kết lại.

Không chỉ miệt mài lưu giữ nhưng làn điệu khèn bè của dân tộc mình, ông Chưa còn dày công gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc mình
Không chỉ miệt mài lưu giữ những làn điệu khèn bè, ông Chưa còn dày công gìn giữ, bảo tồn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán của dân tộc Thái

Năm 2018, sau khi được sự nhất trí của UBND huyện Yên Châu, nhóm bảo tồn văn hoá dân tộc Thái Yên Châu đã được thành lập với 11 thành viên, ông Lường Văn Chựa được tín nhiệm bầu làm nhóm trưởng. Hiện nay, nhóm có tổng số 19 thành viên, ngoài dân tộc Thái, có thêm 6 người là dân tộc Khơ Mú đều là những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc.

Từ khi được thành lập đến nay, ông Chựa cùng nhóm đã mở được 7 lớp học chữ, khèn bè Thái và lớp truyền dạy tiếng Khơ Mú miễn phí, thu hút gần 150 học viên tham gia. Điều đáng trân trọng là nhiều học trò được ông Chựa và nhóm bảo tồn văn hóa truyền dạy đã lan tỏa tiếng nói, chữ viết, văn hóa dân tộc cho con cháu.

Là một trong những học viên tham gia lớp học chữ Thái do ông Lường Văn Chựa "làm thầy" tại xã Chiềng Pằn, chị Lò Thị Anh, ở bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, chia sẻ: Qua học lớp chữ Thái này, tôi thấy rất bổ ích cho bản thân, mình biết chữ viết của dân tộc mình, tục lệ của người Thái từ thuở xưa được lưu trong những cuốn sách mình cũng đọc được và khai thác được. Cũng qua lớp học này, tôi càng thêm hiểu về cội nguồn, những nét văn hóa đặc trưng riêng của dân tộc Thái ở Yên Châu nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Những việc làm của ông Chựa đã và đang góp phần lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và thêm yêu thích văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời, làm hồi sinh nền văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trên mảnh đất Sơn La.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa

Chiều 16/12, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.