Thảo luận báo cáo nhiệm kỳ ngành Tòa án, Kiểm sát
Trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 trước Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Nhiệm kỳ qua, các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Các Tòa án đã thụ lý 2.433.631 vụ việc, đã giải quyết được 2.375.983 vụ việc, đạt 97,6%. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hằng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Đặc biệt, các Tòa án đã xét xử các vụ án hình sự đạt 99,5%. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, trong nhiệm kỳ không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội. Hệ thống Tòa án tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.
Về Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của ngành Kiểm sát, theo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí, toàn ngành đã nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, nhất là nhiệm vụ phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Các chỉ tiêu nghiệp vụ quan trọng do Quốc hội giao hầu hết đều đạt và vượt; các khâu, nhiệm vụ công tác đều có chuyển biến tích cực, năm sau tốt hơn năm trước.
Viện kiểm sát các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát việc bắt, tạm giữ 326.795 người; đã trực tiếp lấy lời khai đối với hơn 223.000 người nhằm bảo đảm việc ra các quyết định phê chuẩn có đầy đủ cơ sở, căn cứ pháp lý. Mặt khác, Viện Kiểm sát đã trực tiếp ra quyết định hủy bỏ gần 3.000 quyết định tạm giữ và yêu cầu cơ quan điều tra bắt tạm giam hơn 300 bị can theo đúng các quy định của pháp luật...
Thông qua công tác kiểm sát, ngành Kiểm sát đã góp phần hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm; bảo đảm việc bắt, tạm giữ, tạm giam có đầy đủ căn cứ, đúng pháp luật, hạn chế việc lạm dụng biện pháp tạm giam. Chất lượng điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm tố tụng và các trường hợp oan, sai giảm dần, kết quả công tác đạt và vượt các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội.
Tại Hội trường, đã có 18 ý kiến phát biểu, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến của các đại biểu đều ghi nhận và đánh giá các báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao được chuẩn bị công phu, tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiếm sát Nhân dân tối cao đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền con người.
Miễn nhiệm và kiện toàn nhân sự vị trí Chủ tịch Quốc hội
Cuối giờ họp buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV và Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia đối với đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV.
Tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khoá 14, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 9, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc kiện toàn sớm nhân sự, do yêu cầu bố trí nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội Đảng XIII, nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong công tác cán bộ.
Sau khi thảo luận ở Đoàn về việc miễn nhiệm, chiều cùng ngày, Quốc hội sẽ thành lập Ban kiểm phiếu và tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố trước khi Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm. Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Từ 30/3 đến 8/4, Quốc hội thực hiện quy trình thủ tục miễn nhiệm, bầu hoặc phê chuẩn một số lãnh đạo cơ quan Nhà nước, gồm: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, một số Bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; Tổng thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước; một số Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, một số Ủy viên Hội đồng Quốc phòng An ninh.