Quyết sách lịch sử
Trong những ngày này, trên khắp mọi miền đất nước, cử tri đang dõi theo kỳ họp thứ 11-kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV, kỳ họp quyết định công tác nhân sự cho nhiệm kỳ mới với nhiều cảm xúc đặc biệt. Đó là cảm xúc của niềm tin và kỳ vọng vào một nhiệm kỳ mới.
90 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, cụ Nguyễn Thị Hoà, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã sống trọn chiều dài 75 năm hoạt động của Quốc hội Việt Nam và cũng nhiều lần cụ cầm trên tay lá phiếu đi bầu cử đại biểu Quốc hội.
“Lần nào đi bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội tôi cũng vui lắm và cảm thấy rất vinh dự. Mỗi nhiệm kỳ đã có những dấu ấn riêng. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV khép lại với nhiều đổi mới. Đặc biệt, nhiệm kỳ này, Quốc hội đã giành nhiều sự quan tâm, có nhiều quyết sách liên quan đến sự phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)…”, cụ Hoà bộc bạch.
Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, Quốc hội khóa XIV là nhiệm kỳ thành công với nhiều đổi mới mạnh mẽ trong công tác điều hành và hoạt động. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, Quốc hội khóa XIV đã đạt được nhiều thành tựu trên các mặt hoạt động từ lập pháp, giám sát đến quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. “Quốc hội khóa XIV đã xem xét, quyết định nhiều quyết sách quan trọng của đất nước, có tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, phát triển vùng miền núi, đồng bào DTTS…”, đại biểu Hoà chia sẻ.
Quyết sách nổi bật tác động lớn đến vùng đồng bào DTTS và miền núi đó là việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Đây là những quyết sách đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, thể hiện mạnh mẽ quan điểm “miền núi tiến kịp miền xuôi”, tạo cơ hội mới để vùng đồng bào DTTS phát huy nội lực, phát triển toàn diện, bền vững”.
Nền tảng vững chãi
Báo cáo công tác nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV cho thấy: 11 kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã diễn ra dân chủ, công khai, có nhiều cải tiến, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước, để lại nhiều dấu ấn quan trọng, được đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Lần đầu tiên trong lịch sử, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp thứ 9 thành 2 đợt kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung, bảo đảm chất lượng.
Các kỳ họp vừa là nơi các đạo luật, quyết sách quan trọng được xem xét, quyết định kỹ lưỡng, thận trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời là nơi phản chiếu đầy đủ, sát thực, rõ nét đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước và là nơi hội tụ, lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích Nhân dân, quốc gia, dân tộc.
Các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, bám sát “hơi thở” của cuộc sống để chuyển tải vào chương trình nghị sự; chủ động, tích cực tham gia đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ vào các nội dung Quốc hội xem xét, quyết định. Nhiều thủ tục làm việc tại kỳ họp được cải tiến, đổi mới theo hướng đi vào thực chất, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội thảo luận và tranh luận”.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội phân tích, cùng với những kết quả đạt được thì nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV cũng không tránh khỏi một số vấn đề còn vướng mắc như: một số dự án luật đưa vào chương trình nhưng chưa đánh giá toàn diện tác động; một số quy định chậm sửa đổi; kết quả “hậu” giám sát chưa cao....Những vấn đề này cần tiếp tục được hoàn thiện tại nhiệm kỳ sau.
Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đưa ra một số đề xuất để Quốc hội tiếp tục đổi mới, hoạt động hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, đó là: cần xây dựng Luật Giám sát Nhân dân để phát huy các hình thức giám sát; tiếp tục tập trung nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013; lựa chọn đại biểu có tâm, có tầm, đủ tiêu chuẩn, kinh nghiệm, điều kiện hoạt động chuyên trách, thể hiện ý chí, trí tuệ của Nhân dân và khát vọng vươn lên của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trên cơ sở kết quả hoạt động cùng những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XV và các khóa tiếp theo cần tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quy trình, thủ tục làm việc tại kỳ họp; tiếp tục xây dựng, từng bước hoàn thiện Quốc hội điện tử; tăng cường công khai, minh bạch, tạo thuận lợi để người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin về Quốc hội; phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, đối thoại để tăng cường trách nhiệm giải trình, giải quyết đến cùng các vấn đề trong các hoạt động của Quốc hội…
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp sắp diễn ra vào tháng 5/2021. Hy vọng rằng, Quốc hội khoá mới sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển, đạt được nhiều thành tựu, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân dựa trên nền tảng vững chãi mà Quốc hội khóa XIV đã xây dựng.