Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV: Quốc hội sẽ bầu và phê chuẩn 25 chức danh lãnh đạo Nhà nước

Minh Thu - 11:56, 23/03/2021

Đó là thông tin được Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công bố tại buổi họp báo về Chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, ngày 23/3/2021.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi của các phóng viên tại buổi họp báo

Báo cáo tóm tắt về nội dung dự kiến của kỳ họp, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đây là kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh công tác xây dựng pháp luật, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội còn tập trung thời gian cho tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự lãnh đạo Nhà nước.

Đồng thời, Quốc hội dành nửa ngày để xem xét, thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Quốc hội dành 4,5 ngày để thảo luận về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử Quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021; xem xét, quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (trong đó có nội dung quy định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026).

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại diện Văn phòng Quốc hội đã trả lời, làm rõ những câu hỏi của các phóng viên về những vấn đề liên quan đến công tác tổng kết nhiệm kỳ, quy trình giới thiệu công tác nhân sự, về vấn đề kiện toàn công tác nhân sự lãnh đạo cấp cao tại kỳ họp với tổng số khoảng 25 chức danh; các hoạt động giám sát của Quốc hội...

 Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV dành khoảng 7 ngày cho công tác kiện toàn một số chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ chính thức khai mạc vào sáng 24/3/2021, họp tập trung trong 12 ngày; bế mạc vào ngày 8/4/2021 và sẽ được Truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Các phiên thảo luận sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.