Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP.
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dẫn chiếu, yêu cầu tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng và an ninh mạng, bổ sung quy định về an toàn thông điệp dữ liệu. Về điều khoản thi hành, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành để đảm bảo việc thực thi Luật sau khi được ban hành phù hợp với thực tế.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) năm 2005 với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Trên cơ sở nội dung Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến về: Sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử…
Hoàn thiện hệ thống thanh tra theo ngành lĩnh vực
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật cho thấy về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi) và nhất trí với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật.
Để có cơ sở cho việc tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về một số vấn đề như: Về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra; Về hoạt động thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra…
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình chỉnh lý dự thảo luận rất rõ các ý kiến của đại biểu; đồng thời kỳ vọng dự thảo sẽ tạo bước mặt quan trọng nhằm góp phần tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra ở Việt Nam.
Một số đại biểu góp ý dự thảo cần: Quy định trong luật về các tiêu chí, điều kiện thành lập thanh tra sở; Đề nghị tách bạch hoạt động thanh tra và kiểm tra; Đề xuất bổ sung một số nội dung về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; Đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở; Cần thiết tổ chức cơ quan thanh tra trong lĩnh vực thuế, hải quan; Tránh sửa đổi, điều chỉnh kết luận thanh tra một cách tùy tiện…
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tinh thần dân chủ, khẩn trương, nghiêm túc, Phiên thảo luận đã có 23 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, 1 ý kiến tranh luận, còn 5 đại biểu chưa phát biểu vì hết thời gian, đề nghị các đại biểu gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, báo cáo Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận và ý kiến bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và báo cáo Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.