Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo Tờ trình, mục đích sửa đổi Luật Hợp tác xã là để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện quy định về huy động, phát triển thành viên. loại bỏ các quy định gây trở ngại gia nhập thị trường.
Dự thảo Luật trình Quốc hội bám sát 05 nhóm chính sách gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hợp tác xã; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.
Sau khi nghe Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, kết cấu lại các nội dung dự thảo Luật bảo đảm tính logic, hợp lý hơn; bổ sung tại Điều 4 về giải thích từ ngữ một số thuật ngữ được sử dụng nhiều tại dự thảo Luật như “tổ chức đại diện”, “quyền hưởng dụng”..., đề nghị nghiên cứu bổ sung, luật hóa tối đa các quy định tại các văn bản dưới luật đã được áp dụng ổn định thời gian qua, giảm thiểu các quy định chờ hướng dẫn.
Cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở”, đồng thời điều chỉnh bố cục của dự thảo Luật để làm rõ hơn cách thức tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở trong từng loại hình và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình chi tiết và báo cáo cụ thể về việc tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm 06 chương, 92 điều, đã cơ bản đạt sự đồng thuận của Chính phủ và các cơ quan có liên quan (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...).
Thảo luận về Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại phiên họp, các đại biểu quốc hội bày tỏ tán thành cao và những nội dung giải trình mà Ủy ban Pháp luật trình bày. Các đại biểu đã có nhiều ý kiến, góp ý xoay quanh các vấn đề: Đề nghị bổ sung quy định về quyền được thông tin của công dân; Đề xuất bổ sung một số hình thức giám sát; Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân; bổ sung các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở về bảo vệ người tố cáo, người khiếu nại khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật dân chủ ở cơ sở của tổ chức, cá nhân…
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương, thẳng thắn, sôi nổi, trách nhiệm, đã có 18 ý kiến phát biểu và 1 ý kiến tranh luận; các ý kiến cơ bản tán thành nhiều nội dung lớn, góp ý điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, rà soát thêm một cách kỹ lưỡng những ý kiến, vấn đề các đại biểu còn băn khoăn để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại cuối Kỳ họp thứ 4.