Thống nhất quy định của Đảng với quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức
Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức. Theo Tờ trình, hiện nay quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng và thời hiệu xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức còn có sự khác nhau. Do vậy, thực tế phát sinh một số trường hợp đã bị kỷ luật đảng nhưng khi xem xét xử lý kỷ luật hành chính thì các cơ quan kiến nghị không xử lý kỷ luật do đã hết thời hiệu theo quy định của Luật. Để khắc phục vướng mắc này, cần sửa đổi các quy định có liên quan của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức cụ thể như sau: Áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 05 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị; khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành nội dung quy định về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức như đề xuất của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ với quy định về thời hiệu kỷ luật đảng.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, đầy đủ các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật để thuận lợi cho việc áp dụng, không viện dẫn các luật như dự thảo nghị quyết mà Chính phủ trình; bổ sung, xác định rõ tiến độ Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với tiến độ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật này theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Khai thác có hiệu quả tài sản công là biển số xe, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá trước Quốc hội. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước là tài sản công, do đó, biển số xe ô tô được coi là tài sản công. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về đấu giá biển số xe ô tô; nguyên tắc xác định giá khởi điểm; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số, người nhận chuyển nhượng biển số trúng đấu giá…
Theo đó, Dự thảo Nghị quyết gồm 07 điều quy định về: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá; điều khoản điểm thi hành.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Dự thảo Nghị quyết có một số chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về thẩm quyền, hình thức văn bản.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cũng cho biết, liên quan đến thời gian thí điểm, đa số Ủy ban Quốc phòng – An ninh nhất trí với dự thảo Nghị quyết, vì thời gian thí điểm 03 năm là phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định thời gian thí điểm là 02 năm để kịp thời luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ; ý kiến khác đề nghị quy định theo hướng kết hợp cả hai loại ý kiến trên.