Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quê nghèo khởi sắc

Phương Nghi - 16:02, 20/05/2021

Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng trước kia là xã nghèo với 69% số hộ đồng bào Khmer sinh sống. Những năm gần đây nhờ được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước theo Chương trình 135 và nhiều chính sách đặc thù khác, đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Người dân và chính quyền đang nỗ lực phấn đấu xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, ấp Trung Hòa (xã Tuân Tức) đã được đầu tư xây dựng đường bê tông khanh trang, sạch đẹp.
Từ nguồn vốn Chương trình 135, ấp Trung Hòa (xã Tuân Tức) đã được đầu tư xây dựng đường bê tông khanh trang, sạch đẹp.

Đến thăm khu dân cư ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức, ông Lý Quýt phấn khởi chia sẻ: “Đời sống của bà con ở đây được nâng lên rõ rệt, cảnh quan đường làng ngõ xóm luôn sáng - xanh - sạch - đẹp; nhà nhà đều có hàng rào bê tông hoặc trồng bông (cây hoa); có cột cờ và treo cờ trong các ngày lễ, tết; người dân có nước sạch sử dụng; tình làng nghĩa xóm luôn được thắt chặt”.

Chị Quách Yến Thu ở ấp Trung Hòa cũng phấn khởi cho biết: “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi rất vất vả, không đất sản xuất, lại đông con. Tôi được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò giống và hỗ trợ vốn vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nuôi bò mà tôi có tiền để xây dựng nhà mới”.

Thời gian qua, bà con dân tộc Khmer ở xã Tuân Tức đã tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ để đầu tư phát triển sản xuất. Cán bộ khuyến nông cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng trong trồng lúa, màu, chăn nuôi; thành lập các tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã để nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Nhờ vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội cùng sự nỗ lực chăm chỉ làm ăn, nhiều hộ đồng bào Khmer đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Ông Chung Văn Đức ở ấp Trung Thành, xã Tuân Tức không giấu được niềm vui khi chúng tôi đến thăm. Ông Đức tâm sự: Hồi trước, gia đình nghèo lắm, nhà cửa lụp xụp,  Mặc dù đất ruộng nhiều nhưng gia đình chỉ biết trồng ngô và các loại rau màu, nhà lại đông con nên chỉ đủ ăn thôi, không giàu lên được.

Sau khi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật, do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, gia đình chuyển toàn bộ 2 ha đất trồng màu sang trồng lúa chất lượng cao. Ðể có vốn đầu tư sản xuất, gia đình đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng. Từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà gia đình đã thoát khỏi cảnh nghèo túng.

Chị Quách Yến Thu, ở ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi bò, giúp gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Chị Quách Yến Thu, ở ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức được hỗ trợ vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi bò, giúp gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Ông Đức cho biết: Mấy năm nay, nhờ áp dụng tốt chương trình quản lý dịch hại trên lúa - IPM và mô hình “3 giảm, 3 tăng” (Giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu/Tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả) kết hợp sử dụng giống chất lượng mà năng suất lúa luôn đạt 5,5 đến 6 tấn/ha/vụ. Ðặc biệt là sử dụng phân vi sinh thay phân hóa học, vừa cho năng suất cao, vừa cho sản phẩm sạch, lại giảm chi phí đầu tư, tăng độ màu mỡ cho đất và bảo vệ tốt cho môi trường. Hằng năm, ngoài làm hai vụ lúa, gia đình còn tận dụng đất xuống giống màu dưới chân ruộng để trồng dưa leo, khổ qua (mướp đắng), các loại cải và nuôi cá rô đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 180 triệu đồng/năm

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Đức luôn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con chung quanh để giúp nhau cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Cùng với đó, các công trình phúc lợi cũng được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ hiệu quả đời sống dân sinh. Các mô hình, CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao, phong trào nghệ thuật quần chúng được duy trì và phát triển, nhân rộng...

Ông Phạm Trường Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tuân Tức cho biết: Qua nhiều năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng lan tỏa. “Mỗi gia đình và cộng đồng dân cư đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững, xây dựng nông thôn thêm khởi sắc. Năm 2020, có 1.800 hộ được công nhận đạt danh hiệu gia đình văn hóa (chiếm trên 95%); 1.726 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liền...”, ông Giang thông tin.

Với những nỗ lực và tinh thần đoàn kết trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, tin rằng, Tuân Tức sẽ gặt hái thêm những thành công mới, diện mạo quê hương ngày thêm tươi đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.