Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Quảng Trị: Lao động DTTS tự tin khi có "nghề trong tay"

Khánh Ngân - 14:58, 22/10/2024

Nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), các huyện miền núi tỉnh Quảng Trị đã tăng cường đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động DTTS. Cùng với đó, nhiều giải pháp để giải quyết việc làm cho lao động DTTS được triển khai. Nhờ đó, từ đầu năm 2024 đến nay số lao động người DTTS có việc làm ở các huyện miền núi ngày càng tăng.

(Bài KH): Quảng Trị: Tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động DTTS
Cô giáo Ngô Thị Bình (bên trái) dạy nghề khai thác mủ cao su cho học viên người DTTS tại xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh

Đào tạo nghề để giải quyết việc làm bền vững

Từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, hàng trăm lao động người DTTS ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) được đào tạo nghề ngắn hạn. Qua đó, giúp các lao động có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm việc làm, thậm chí nhiều lao động người DTTS khó có nghề trong tay đã mạnh dạn, tự tin làm chủ nhóm thợ, xưởng nhỏ…, để khởi nghiệp vươn lên làm giàu.

Trước đây, anh Hồ Văn Hùng người Bru Vân Kiều (sinh năm 1991) ở thôn Lền, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) làm nghề phụ tại địa phương. Công việc bấp bênh, thu nhập lại thấp nên cuộc sống luôn rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.

Đầu năm 2022, khi Chương trình MTQG 1719 có nguồn hỗ trợ lao động DTTS học nghề ngắn hạn, anh Hùng đăng ký và được chấp nhận học nghề kỹ thuật xây dựng. Lớp học do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Vĩnh Linh mở tại xã nên tiện đi lại, học tập. Không phải đóng học phí lại còn được hỗ trợ chi phí đi lại nên anh Hùng rất phấn khởi.

Sau khi tốt nghiệp lớp học nghề, anh Hùng đã kết nối với các nhóm thợ để nhận khoán xây nhà ở và các công trình phụ cho người dân. Đến nay, tổ thợ của anh Hùng gồm 5 người, thu nhập bình quân 300.000 đồng/người/ngày. Nhờ được học nghề kỹ thuật xây dựng nên anh Hùng nắm được kiến thức cơ bản về kết cấu công trình, cách thi công đảm bảo chất lượng nên người dân địa phương cũng rất tin tưởng, tìm đến anh ngày một nhiều hơn. Từ một thợ phụ đi làm thuê, giờ đây anh Hùng đã làm chủ nhóm thợ, có thể nhận khoán trực tiếp với các hộ gia đình để xây dựng các công trình nhà ở.

(Bài KH): Quảng Trị: Tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động DTTS 1
Huyện miền núi Hướng Hóa tổ chức buổi tư vấn việc làm cho lao động vùng DTTS

Chia sẻ với phóng viên, anh Hồ Văn Hùng cho biết: “Có học có hơn, giờ đây tôi đã biết thêm nhiều kỹ thuật trong nghề xây dựng. Nhờ đó, mình có thể tự tin nhận thi công được nhà kết cấu bê tông… Không chỉ có tôi, việc học nghề đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm 2023 đến nay, ở xã Vinh Ô đã tổ chức được 9 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, cho 176 học viên người DTTS tham gia. Các nghề ngắn hạn này đều được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình MTQG 1719 và do Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Linh tổ chức.

Theo kế hoạch, nghề khai thác mủ cao su cũng được UBND huyện Vĩnh Linh đưa vào danh mục các nghề đào tạo cho lao động vùng DTTS. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên học viên nhanh hiểu để áp dụng kiến thức vào thực tế. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các xã vùng DTTS Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà huyện Vĩnh Linh đã có gần 500 lao động người DTTS được đào tạo nghề khai thác mủ cao su.

Theo thống kê, đã có 70% lao động người DTTS ở huyện Vĩnh Linh sau khi được đào tạo nghề có việc làm ổn định. Nhiều lao động DTTS có việc làm, có thu nhập đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo trên địa bàn các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà.

Đưa lao động DTTS ra thị trường lớn

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), 9 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn huyện đã có 802 lao động người DTTS tìm được việc làm. Đáng chú ý, trong số đó có 749 lao động DTTS đi làm việc dài hạn ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoại tỉnh. Cơ bản số lao động này đã được đào tạo nghề ngắn hạn nên công việc ổn định, thu nhập khá.

Gia đình anh Anh Hồ Văn Hời gọi điện cho anh sau giờ làm việc. Hiện nay anh Hồ Văn Hời đang làm việc tại Nhật Bản thoe chương trình xuất khẩu lao động.
Gia đình anh Anh Hồ Văn Hời gọi điện cho anh sau giờ làm việc. Hiện nay anh Hồ Văn Hời đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình xuất khẩu lao động

Trước đó, UBND huyện Hướng Hóa đã tập trung ưu tiên nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 để đào tạo nghề cho lao động người DTTS. Cùng với đó, địa phương cũng lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách xã hội, để ưu tiên cho việc đào tạo nghề và đưa lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài.

Trong những năm qua, UBND Huyện Hướng Hóa cũng chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, tổ chức phiên giao dịch việc làm vùng DTTS. Thông qua đó, địa phương lồng ghép tuyên truyền, phổ biến để người lao động hiểu hơn chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chính sách đặc thù trong giải quyết việc làm đối với người lao động là người DTTS. Nhờ đó, số lao động người DTTS có việc làm ngày càng cao, góp phần hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, cán bộ Văn hóa - Xã hội thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cho biết: “Trước đây, lao động DTTS có tâm lý ngại đi xa, ngại thay đổi mà chỉ quẩn quanh với những công việc gần nhà. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, nhiều lao động DTTS đã được đào tạo nghề nên mạnh dạn đi vào miền Nam tìm việc. Những lao động này hằng tháng đều gửi tiền về cho người thân, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, từ đó tác động đến nhận thức của những lao động khác ở địa phương”.

Trong khi đó, tại huyện Đakrông cũng đã có trên 500 lao động DTTS tìm được việc làm ngoài tỉnh và nước ngoài nhờ đã được đào tạo nghề. Anh Hồ Văn Hời, ở thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông là một ví dụ điển hình.

Năm 2022, gia đình anh Hồ Văn Hời đã vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi lãi suất để đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Sau hơn hai năm làm việc ở Nhật Bản, gia đình anh Hời không những trả hết nợ ngân hàng, mà còn có vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình anh Hời đã thoát khỏi hộ nghèo.

(Bài KH): Quảng Trị: Tìm hướng giải quyết việc làm cho lao động DTTS 3
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị) tư vấn cho hộ đồng bào DTTS trên địa bàn vay vốn ưu đãi

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, cho biết: Những năm gần đây công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được xem là một trong những giải pháp tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và hiệu quả cho thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên người đồng bào DTTS.

Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 đã mở ra cơ hội việc làm lớn cho lao động DTTS ở Quảng Trị. Từ đào tạo nghề, nguồn vốn vay ưu đãi… đã giúp nhiều lao động người DTTS ở Quảng Trị tự tin hơn trong tìm kiếm việc làm. Nhiều lao động DTTS đã có cơ hội, điều kiện để bước vào các thị trường lao động có thu nhập cao. Đây là cơ hội để những lao động vùng DTTS ở Quảng Trị vươn lên làm chủ, làm giàu bền vững. 

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.