Theo chân cán bộ xã Lục Hồn, phóng viên tìm đến một lớp nghiệp vụ du lịch gia đình đang được tổ chức. Lớp có 20 học viên, chủ yếu là người DTTS (Tày, Mông, Sán Chỉ, Dao) theo học, đến nay đã hơn một tháng. Theo chia sẻ của giáo viên, do học viên vừa phải học, vừa phải đi làm nên giáo viên phải tính toán thời gian, bố trí linh động để học viên có thể tham gia các buổi học, cả ý thuyết và thực hành để đạt kết quả tốt nhất.
Chị Sùng Thị Sâu, 48 tuổi, dân tộc Mông, thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, cho biết, khi được Trưởng bản đến thông báo, vận động tham gia lớp đào tạo này, chị đã đăng ký tham gia. “Thấy nói ở thôn đang sắp có Đề án phát triển du lịch cộng đồng, sẽ có nhiều việc làm cho người dân như nấu ăn, hướng dẫn viên, mở homestay... Tôi thấy đi học này cũng hợp lý, học xong sẽ có công việc để làm ngoài làm nông nghiệp”, chị Sâu hào hứng nói.
Theo ông Loan Thành Len, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Hồn, xã có 16 thôn, với 1.176 hộ dân, 96% là người DTTS chủ yếu làm nông, lâm nghiệp. Trong khoảng 2, 3 năm trở lại đây, xã cũng tăng cường tuyên truyền, vận động tới các thôn, bản việc đăng ký tham gia các lớp học nghề, đặc biệt là lớp chế biến món ăn và phục vụ, du lịch để nâng cao kỹ năng, đáp ứng với việc đón đầu phát triển du lịch thời gian tới của địa phương”.
Cũng là một trong những học viên tham gia lớp đào tạo hướng dẫn viên, hiện nay anh Chu Văn Cường (khu Nà Phạ, thị trấn Bình Liêu), đã có thể tự tin giới thiệu các điểm du lịch của Bình Liêu; cũng như những nét đẹp về văn hóa truyền thống, con người Bình Liêu đến du khách trong và ngoài tỉnh.
“Tôi tham gia lớp tập huấn năm 2018, sau đó dần làm hướng dẫn viên du lịch. Công việc này cũng đem lại một nguồn thu nhập khá. Tôi mong muốn, huyện sẽ có thêm nhiều lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để những thanh niên nông thôn như tôi có thể tiếp cận với nhiều công việc mới, đem lại thu nhập cho bản thân và gia đình”, anh Chu Văn Cường cho hay.
Trao đổi với ông Ngô Văn Mậu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bình Liêu được biết, năm 2024, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cũng như theo dõi, đánh giá kết quả giải quyết việc làm... Đặc biệt, mở 5 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, với khoảng 100 học viên (2 lớp đào tạo nông nghiệp và 03 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp).
“Huyện đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho người DTTS, trong đó, chú ý nghề liên quan đến du lịch để khai thác và phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Thời gian qua, cũng đã có nhiều tổ chức, đơn vị mở lớp đào tạo người DTTS làm du lịch giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân”, ông Mậu nói thêm.
Các lớp nghề du lịch cộng đồng được kỳ vọng sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên DTTS trên địa bàn huyện vùng cao Bình Liêu. Đặc biệt làm tiền đề cho các bạn trẻ khởi nghiệp, phát huy thế mạnh, bản sắc văn hóa của địa phương gắn với phát triển du lịch theo mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.