Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Trị: Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Đan Tâm - 08:05, 10/11/2021

Những năm gần đây, mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tác động tiêu cực của COVID-19… nhưng tại Quảng Trị, lĩnh vực trồng trọt vẫn đạt được kết quả khá ấn tượng. Đặc biệt là việc tái cơ cấu lĩnh vực này, được tiến hành đúng tiến độ và đem lại kết quả thiết thực.

Chăm sóc cây hồ tiêu ở Gio Linh - Ảnh: Đ.T
Chăm sóc cây hồ tiêu ở Gio Linh - Ảnh: Đ.T

Trong 3 năm (2018 - 2020), toàn tỉnh Quảng Trị tổ chức sản xuất hơn 112.300 ha lúa chất lượng cao, chiếm hơn 72% tổng diện tích gieo trồng lúa của cả giai đoạn, trong đó diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ 1.200 ha, lúa canh tác tự nhiên hơn 300 ha, diện tích lúa sản xuất theo cánh đồng lớn hơn 25.000 ha. 

Hiện, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 39.000 ha lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, sạch, có liên kết. Mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, với diện tích gần 5.000 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến.

Tỉnh cũng đã áp dụng chính sách hỗ trợ thí điểm chương trình tái canh cây cà phê, đạt gần 500 ha trong giai đoạn 2017-2020. Cây hồ tiêu cũng được quan tâm đầu tư để đạt diện tích 2.520 ha, trong đó, có gần 95 ha hồ tiêu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP gần 200 ha.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, còn thể hiện rõ nét ở diện tích đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang cây trồng khác, đem lại giá trị kinh tế cao hơn như: cây dưa hấu, mè đen, đậu xanh, với diện tích chuyển đổi trong 4 năm qua (2017 - 2020) đạt hơn 722 ha. Chuyển đổi đất trồng rừng kém hiệu quả, đất cát hoang hóa sang trồng dứa, với diện tích 146 ha, trồng chanh leo hơn 80 ha.

Trên diện tích chuyển đổi, giá trị thu nhập mang lại cho người sản xuất tăng từ 12 - 14 triệu đồng/ha, đặc biệt các diện tích chuyển đổi trên đất trồng rừng sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả có hiệu quả cao hơn từ 3 - 4 lần so với trồng rừng. 

Trong phương án số 1629/PA-UBND ngày 29/4/2021 của UBND tỉnh về tổ chức sản xuất ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và nâng cao giá trị gia tăng trong vụ hè thu và thu đông năm 2021, đặt ra mục tiêu chuyển đổi 378,24 ha đất lúa thiếu nước sang sản xuất cây trồng cạn, trong đó sang trồng ngô 40,6 ha, đậu các loại 215,34 ha, rau màu các loại 16,5 ha, dưa hấu trên 100 ha.

Việc tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, còn thể hiện ở việc phát triển mạnh những loại cây có lợi thế về nhu cầu thị trường và giá trị kinh tế cao như cây ăn quả, cây dược liệu. Nhiều vùng cây ăn quả và dược liệu đã hình thành như bưởi da xanh, bơ 034, chanh leo, ổi lê Đài Loan, sầu riêng, cà gai leo, chè vằng, sâm Bố Chính… tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ với diện tích cây ăn quả và cây dược liệu toàn tỉnh hơn 7.480 ha.

Các địa phương cũng đã hình thành nhiều mô hình, vùng sản xuất liên kết với các doanh nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trên địa bàn (như lúa hữu cơ, tiêu hữu cơ, chanh leo, dược liệu, dưa lưới…).

 Nhờ tăng cường mối liên kết 4 nhà, 6 nhà trong sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đã bước đầu phát huy hiệu quả như gạo hữu cơ, chanh leo, cây dược liệu, dứa nguyên liệu, hồ tiêu hữu cơ…

Trong định hướng tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt của tỉnh đến năm 2025, sẽ ổn định diện tích trồng lúa 47.300 ha, đảm bảo trên 95% diện tích được sử dụng giống xác nhận, giống ngắn ngày. Diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao bình quân hằng năm đạt trên 80% tổng diện tích gieo trồng lúa. 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có trên 1.000 ha lúa hữu cơ canh tác tự nhiên; Ổn định diện tích sắn nguyên liệu 10.500 ha. Cây hồ tiêu ổn định diện tích 2.700 ha và tập trung phát triển, canh tác hồ tiêu theo quy trình chỉ dẫn địa lý hồ tiêu Quảng Trị, đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, an toàn thực phẩm 300 ha; Ổn định diện tích cây cà phê 5.000 ha.


Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.