Người DTTS thuộc của các xã, thôn bản nói trên sẽ được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Các hình thức trợ giúp pháp lý bao gồm: Tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng. Dự kiến, trong vòng 3 năm, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 300 vụ việc pháp lý ở các xã và thôn, bản vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Hiện, Quảng Ninh có khoảng 127.000 đồng bào DTTS. Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 49.000 người (chiếm 39% số người DTTS) ở 12 thôn bản có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Thông qua việc trợ giúp pháp lý, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ người DTTS bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các quan hệ pháp luật, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật, ý thức sử dụng pháp luật của người DTTS; nâng cao chất lượng tranh tụng; gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa công tác trợ giúp pháp lý với các chính sách giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đặc biệt, người DTTS được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác; tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý; được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan; yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý...
Quy định về hồ sơ trợ giúp pháp lý, Nghị quyết nêu rõ, khi yêu cầu trợ giúp pháp lý, người yêu cầu phải nộp hồ sơ cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, gồm có: (a) Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; (b) Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý; (c) Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý được thực hiện như sau:
Trường hợp nộp trực tiếp tại trụ sở tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại (a) và (c) nêu trên; xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao, có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Trường hợp người yêu cầu trợ giúp pháp lý không thể tự mình viết đơn yêu cầu, thì người tiếp nhận yêu cầu có trách nhiệm, ghi các nội dung vào mẫu đơn để họ tự đọc hoặc đọc lại cho họ nghe và yêu cầu họ ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn.
Trường hợp gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp các giấy tờ, tài liệu quy định tại (a) và (c) nêu trên, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
Trường hợp gửi hồ sơ qua Fax, hình thức điện tử, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.