Theo đó, kế hoạch gồm 5 hoạt động. Cụ thể: Tổ chức truyền thông về trợ giúp pháp lý trực tiếp tại các xã điểm vùng DTTS và miền núi; Tổ chức các cuộc tập huấn điểm về trợ giúp pháp lý cho già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng, cán bộ cơ sở, người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, người DTTS về tiếp cận trợ giúp pháp lý đối với đồng bào vùng DTTS và miền núi; Xây dựng phóng sự về trợ giúp pháp lý để phát trên các kênh truyền thông địa phương và Trung ương; Tổ chức các đợt chuyên đề trợ giúp pháp lý điểm kết nối cộng đồng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý và cán bộ thuộc các cơ quan liên quan, cán bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong cộng đồng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi; Biên soạn, cung cấp các tài liệu truyền thông về chính sách trợ giúp pháp lý cho người DTTS...
Trên cơ sở đó, thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện tổ chức 8 hội nghị tập huấn điểm về trợ giúp pháp lý cho tổng số 1.621 các đại biểu là công chức Tư pháp - Hộ tịch, già làng, trưởng thôn, bản, Người có uy tín trong cộng đồng, Tổ hòa giải… Địa điểm tổ chức được tiến hành tại các xã, thị trấn của huyện Bình Gia, Tràng Định, Văn Quan, Văn Lãng, Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc…
Tại các hội nghị, báo cáo viên đã truyền thông, giới thiệu các nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý; các chính sách pháp luật đối với người DTTS; tiêu chí 3 về Hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý trong các tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định tại Quyết định 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; phát tờ rơi tìm hiểu các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý cho các đại biểu…
Thông qua các hội nghị đã giúp cho già làng, trưởng bản, Người uy tín trong cộng đồng, cán bộ cở sở vùng đồng bào DTTS và miền núi nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng các hoạt động trợ giúp pháp lý có chất lượng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trong thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động về trợ giúp pháp lý; xây dựng các mô hình điểm về trợ giúp pháp lý nhằm giúp đồng bào kịp thời tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý chất lượng, đồng thời được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi gặp vướng mắc, tranh chấp pháp luật.