Từ Pò Hèn vào hội
Pò Hèn - thôn trung tâm của xã Hải Sơn, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) có 3 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Kinh, Dao và Sán Chỉ với 153 hộ dân, 607 khẩu. Nơi đây đã ghi dấu những chiến công anh dũng, lịch sử vẻ vang và tinh thần chiến đấu kiên cường của các Anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Đã 7 năm liền (2015 - 2021), Pò Hèn luôn giữ vững danh hiệu Thôn văn hóa, cùng tinh thần đoàn kết thi đua lao động sản xuất và sự gắn kết của Nhân dân các dân tộc. Từ vùng đất đặc biệt khó khăn (ĐBKK), đến nay thôn Pò Hèn có đến 75% hộ có mức sống trung bình trở lên. Trong đó, trên 20% hộ khá; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/năm.
Để có được diện mạo nông thôn như ngày hôm nay, người dân Pò Hèn đã góp công lớn vào chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”. Trong đó, nổi bật nhất là công tác xã hội hóa chỉnh trang đường điện chiếu sáng Bản Mốc 13, xóm Đồi Tây, xóm họ Đặng bằng việc huy động 200 ngày công lao động, tương đương 40 triệu đồng, hỗ trợ cho các hộ dân xây dựng vườn mẫu, hộ mẫu... góp phần thay đổi rõ rệt diện mạo nông thôn.
Bà Phùn Thị Vân, người dân tộc Dao, thôn Pò Hèn chia sẻ: “Từ ngày xây dựng NTM, đời sống của người dân trong thôn thay đổi hẳn, ai cũng khá lên, không còn nghèo nữa. Năm nay, do dịch Covid-19 nên Ngày hội không tổ chức to như mọi năm. Nhưng riêng với người dân Pò Hèn, thì ai cũng phấn khởi, vì trở thành nhân vật chính trong ngày hội trọng đại này”.
Trong không khí sôi nổi diễn ra ngày hội, các hoạt động nổi bật như: Bóng đá nữ giữa dân tộc Sán Chỉ và dân tộc Dao, các trò chơi dân gian, ẩm thực đã để lại ấn tượng sâu sắc với các Đại biểu và du khách đến tham dự. Niềm vui của người dân Pò Hèn hôm nay, như được nhân lên khi có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Cảm nhận sự thay đổi của vùng đất Anh hùng, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Ông rất vui mừng trước diện mạo mới của thôn, với cuộc sống ấm no, tinh thần đoàn kết, vững mạnh từ cơ sở.
Đến mùa vàng Bình Liêu
Không khí "Ngày hội mùa vàng" tại Bình Liêu năm nay, cũng không kém phần sôi động, khi ngay từ sớm, các điểm đón khách du lịch đã được đặt kín. Bởi năm nay, có nhiều hoạt động thu hút du khách như: Giải chạy chinh phục “Sống lưng khủng long”, Lễ khánh thành điểm dừng chân cột mốc 1305 diễn ra ngày 14/11; chương trình "Dù lượn bay trên mùa vàng"; triển lãm ảnh tại Nhà văn hóa bản Ngàn Pạt (xã Lục Hồn) diễn ra liên tục trong 2 ngày 13 và 14/11; hoạt động trải nghiệm, check in ruộng bậc thang...
Hội Mùa vàng là một trong những chương trình nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa - Du lịch diễn ra từ ngày 13/11 đến hết tháng 12. Qua đó, nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kích cầu du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 2 triệu khách du lịch trong quý IV/2021 của tỉnh Quảng Ninh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021 của huyện Bình Liêu.
Anh Lưu Tuấn Tú, du khách đến từ Hạ Long cho biết: “Tôi phải đặt phòng trước cả tuần mới có chỗ nghỉ, vì đây cũng là thời điểm du lịch mở lại sau thời gian dài bị đóng băng. Đặc biệt, tôi còn dẫn theo bạn là người nước ngoài đến để trải nghiệm cảm giác bay dù lượn trên những ruộng lúa vàng”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch huyện Bình Liêu cho biết: “Để bảo đảm cho Hội Mùa vàng diễn ra an toàn, huyện Bình Liêu đã bố trí lập 3 chốt kiểm soát y tế (tại Quốc lộ 18C giáp ranh với huyện Tiên Yên; ngã 3 Khe Tiền (xã Đồng Văn) - Quảng Sơn (Hải Hà) - đường liên xã Đồng Văn - Húc Động và Khu vực giáp ranh đường liên xã Húc Động đi Đại Dực (Tiên Yên) để kiểm soát nghiêm ngặt người và phương tiện du lịch vào địa bàn huyện, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án phòng, chống dịch”.
Các hoạt động được tổ chức trong Tuần Văn hóa - Du lịch còn nhằm góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện, từng bước khẳng định dấu ấn đặc sắc của du lịch Bình Liêu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.