Nếu ai đã từng một lần đặt chân đến Mường So, chắc hẳn không thể quên được cảnh đẹp thơ mộng của miền đất này. Đó là hình ảnh những ngôi nhà sàn truyền thống sát kề nhau bên dòng Nậm Lùm, Nậm So quanh năm trong mát. Những guồng nước vẫn ngày ngày nhịp nhàng như cánh tay đưa thoi của người thiếu nữ Thái xưa.
Tuy nhiên, những năm gần đây, trong bối cảnh hội nhập, nhiều ngôi nhà sàn truyền thống dần được thay thế bởi những ngôi nhà xây kiên cố, kiến trúc hiện đại. Chính vì vậy, cốt lõi trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là việc thay đổi tư duy, nhận thức của chính cộng đồng dân tộc Thái trong việc tiếp nhận các yếu tố văn hóa hội nhập, gắn văn hóa song hành cùng phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân.
Ông Điêu Văn Thuyển, cộng tác viên Thái học Việt Nam, đồng thời là thành viên Mạng lưới “Bảo tồn và phát triển tri thức bản địa dân tộc Thái Việt Nam” (VTIK) chia sẻ: “Từ bao đời nay, những giá trị văn hóa được đồng bào dân tộc Thái kết tinh, gìn giữ và kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Chính vì vậy, việc bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa sẽ giúp cộng đồng thêm trân trọng và chủ động gìn giữ những di sản truyền thống dân tộc của ông cha để lại”.
Để duy trì và bảo tồn nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, hàng năm ngành Văn hóa Lai Châu đã tổ chức nhiều lễ hội, cũng như các hội diễn nghệ thuật quần chúng. Riêng Phong Thổ vẫn duy trì đều đặn các lễ hội truyền thống của đồng bào Thái như: Hát Then đàn tính, Nàng Han, Then Kin Pang, Kin Lẩu Khẩu Mẩu… Cùng với đó là phát động cán bộ công chức, viên chức, học sinh, mặc trang phục dân tộc đến công sở, trường học; khuyến khích thành lập các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn các xã, phường và phổ biến các điệu xòe Thái cho Nhân dân trên địa bàn.
Cùng với đó là các làn điệu dân ca được khôi phục, tái tạo, cải biên, đặt lời mới. Nhiều tiết mục ca, múa nhạc của Lai Châu tham gia hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc đạt kết quả cao như: Tác phẩm múa “Mẹ” của dân tộc Thái Phong Thổ đạt giải A tại Liên hoan nghệ thuật Chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009; giải Nhì tại Liên hoan Hát Then- Đàn tính tỉnh Lai Châu lần thứ IV năm 2015…
Ông Đèo Văn Dương, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Thổ cho biết: Phong trào văn hóa, văn nghệ của người cao tuổi trên địa bàn huyện Phong Thổ đã có nền móng từ xưa, những lớp kế cận sau này kế thừa, phát triển khá tốt. Nhiều đội văn nghệ, các CLB được thành lập, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa dân gian. Đến nay, Phong Thổ có 145 đội văn nghệ ở các thôn bản, trong đó có 58 đội văn nghệ dân tộc Thái. Từ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cách thêu trang phục, nấu các món ăn dân tộc…, những “Câu chuyện gia đình dân tộc Thái” cũng được giới thiệu thông qua không gian trưng bày các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt thường ngày.
Bên cạnh đó, người Thái đã quan tâm đến việc bảo tồn chữ viết của dân tộc mình. Tại bản Pa So, thị trấn Phong Thổ, người dân trong bản đã cùng nhau tổ chức dạy chữ Thái cho mọi người, nhất là lớp trẻ. Lớp học được tổ chức tại Nhà văn hóa bản vào các buổi tối hoặc những lúc nông nhàn. Việc học chữ đã giúp người dân hiểu thêm về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mình, đồng thời góp phần khôi phục, bảo tồn chữ viết và tiếng nói dân tộc Thái không để mai một thất truyền…
Những giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Thái ở Phong Thổ không chỉ tạo ra các giá trị mới về mặt tinh thần mà còn tạo ra những giá trị về mặt kinh tế thông qua thu hút du lịch, tạo ra sinh kế bền vững cho người dân.