Giao thông đi trước
Giao thông được xem là "xương sống", là điểm tựa để Quảng Ninh thay da đổi thịt và giảm nghèo, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS. Sau 12 năm, Quảng Ninh đã thiết kế, hình thành mạch giao thông kết nối giữa các huyện miền núi, với thành thị khi đầu tư xây dựng trên 3.000 km đường bộ nối dài về tới tận thôn, bản, nâng tổng chiều dài đường bộ toàn tỉnh lên 6.000 km; xây mới 100 km đường quốc lộ và quy mô các tuyến được nâng cấp nối dài tạo hành lang phát triển mới cho vùng miền núi.
Đến năm 2020, huyện Bình Liêu đã xóa 100 cung đường đất, kết nối ô tô đi tới tận 104 thôn bản khó khăn. Cũng nhờ đó, đời sống nơi đây được cải thiện rõ rệt từng ngày. Chị Lý Thị Mùi, một người dân tại xã Lục Hồn, chia sẻ về sự đổi thay ấy: "Con đường này trước đây phải đi xuống đường Quốc lộ 18, đi gần tiếng đồng hồ. Bây giờ có tuyến đường này đi lại có mười mấy phút, làm ăn cũng dễ dàng, thuận lợi hơn nhiều”.
Những con đường bê tông trải dài tại các xã, các thôn là tiền đề quan trọng đem đến sự đổi thay cho đời sống bà con nơi đây. Người người, nhà nhà yên tâm làm ăn, thoát khỏi cái nghèo cái đói rình rập đã bao đời.
Tạo sinh kế thoát nghèo
Quảng Ninh thực hiện các Chương trình MTQG với điểm xuất phát thấp, khi có hơn 10% đồng bào DTTS sinh sống trên 85% diện tích tự nhiên - nơi được xác định khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân, là một trong những quyết sách quan trọng mà Quảng Ninh đưa ra khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại Bình Liêu, huyện miền núi với đặc thù đồng bào DTTS chiếm 96% dân số, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Ngoài việc huy động nguồn lực hỗ trợ, Bình Liêu đã cụ thể hóa và vận dụng tốt các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo: Cho vay vốn, mở các lớp tập huấn, phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa lao động đi làm việc, hỗ trợ xóa nhà ở chưa bền chắc đối với hộ nghèo…Nhờ vậy, năm qua trên địa bàn huyện ước giảm trên 300 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra.
Chị Vi Thị Tuyến, một trong những hộ dân thoát nghèo năm 2022 của xã Húc Động, huyện Bình Liêu phấn khởi chia sẻ: "Người dân chúng tôi rất phấn khởi, ngoài việc được vay vốn, chúng tôi còn được tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, nhờ vậy năng suất được tăng lên, kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt. Thoát khỏi cảnh nghèo bao năm đeo bám, tôi và gia đình mừng lắm!”.
Cũng trên địa bàn nhiều huyện, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhờ việc triển khai nguồn vốn vay tín dụng, kinh tế nhiều gia đình DTTS đã được nâng lên rõ rệt. Gia đình anh Lỷ Văn Chiến, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ) là một ví dụ.
Anh Chiến cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay tín dụng, tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu để tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của gia đình. Tôi cũng hy vọng thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm để có thêm nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, có thêm thu nhập, ổn định đời sống”.
Mục tiêu cốt lõi và cao nhất của xóa nghèo của Quảng Ninh, là nâng cao thu nhập cho người dân. Với nhiều cách làm sáng tạo từ hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp gắn trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương... đã tạo ra nhiều sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP từng bước cải thiện mức thu nhập của đồng bào DTTS cao gấp 2,5 lần so với năm 2015, đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm 2020.
"Trái ngọt" trên hành trình giảm nghèo bền vững
Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã về đích Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 0,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,63% tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021 đã giảm 1.268 hộ nghèo (tương đương 0,34%); giảm 3.099 hộ cận nghèo (tương đương 0,84%); có 4/13 địa phương (Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn và Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%...
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, trong thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển; kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước, trong đó khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành các vùng động lực, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn…
Đến hết 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 tỉnh Quảng Ninh giảm còn 0,067% tương ứng với 258 hộ, chỉ đứng sau TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Quảng Ninh đã trở thành địa phương về đích sớm nhất cả nước về giảm nghèo.
Vừa qua, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã đánh giá cao về những kết quả mà Quảng Ninh đã đạt được.
"Để đạt được kết quả này, Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, năng động và quyết tâm quyết liệt và không phải địa phương nào cũng triển khai đồng bộ, thống nhất nhiều biện pháp như Quảng Ninh. Nguồn ngân sách xã hội và huy động từ các nguồn khác chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn đầu tư ở tất cả các chương trình MTQG. Đây là cách làm rất tốt khi Quảng Ninh đã gắn trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào hệ thống chính trị”, Bộ trưởng nói.
Từ thực tế với những cách làm sáng tạo, quyết liệt cho thấy, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng nhất cả nước về giảm nghèo, mang về cho vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS những giá trị mới, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân.