Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Trị: Cần tháo gỡ khó khăn trong hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững

PV - 09:34, 21/02/2023

Thời gian qua, thực hiện các hợp phần phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững đã góp phần giúp người dân, đặc biệt là các hộ khó khăn, đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập theo hướng bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn.

Một mô hình nuôi dê tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa- Ảnh: T.L
Một mô hình nuôi dê tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa- Ảnh: T.L

Là địa bàn nông nghiệp, điều kiện phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thực hiện chủ trương của cấp trên về chính sách giảm nghèo, huyện Triệu Phong đã kịp thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để thực hiện, đem lại hiệu quả rõ nét.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình giảm nghèo bền vững là nguồn lực quan trọng, giúp địa phương xây dựng các dự án, sinh kế cho người nghèo. Trong giai đoạn 2018 - 2020, có 16 dự án phát triển sản xuất được triển khai trên địa bàn với 404 hộ dân được hưởng lợi. Tỷ lệ các hộ thoát nghèo sau khi tham gia các mô hình, dự án đạt trên 90%.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong Hoàng Quang Dưỡng thông tin: “Thời gian qua, thực hiện chính sách giảm nghèo đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các hộ nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp tại địa phương vẫn còn một số hạn chế, khó khăn.

Cụ thể như mức đầu tư cho các mô hình còn thấp, chưa tập trung hỗ trợ đủ mạnh để tác động làm chuyển biến thực sự đời sống của người nghèo. Việc lồng ghép công tác dạy nghề cho các hộ nghèo để chăn nuôi, trồng trọt trở thành một nghề có thể giúp các hộ thoát nghèo vẫn còn hạn chế. Các dự án triển khai qua các năm, thực tế chỉ có mô hình chăn nuôi là lựa chọn của đại đa số hộ nghèo.

Tuy nhiên do giá cả bấp bênh, dịch bệnh khó kiểm soát, các mô hình còn nhỏ lẻ nên phát triển thiếu bền vững. Việc tiêu thụ sản phẩm do các hộ nghèo sản xuất ra còn khó khăn, từ đó ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, phần lớn hộ nghèo tại địa phương đều nằm ngoài độ tuổi lao động, từ đó dẫn đến khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất”.

Tại huyện miền núi Hướng Hóa, thực hiện các mô hình phát triển sản xuất thuộc chương trình giảm nghèo bền vững đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, từng bước gắn sản xuất với thị trường. Chuyển tập quán sản xuất theo lối truyền thống qua áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giống mới… nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Tuy vậy, việc triển khai các mô hình sản xuất trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Đa số các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất chỉ mang tính chất trình diễn, do đó nguồn kinh phí đầu tư còn hạn chế, dàn trải, phân tán. Cùng với đó, đầu ra sản phẩm nông sản còn khó khăn, giá cả biến động phụ thuộc nhiều vào thị trường, chưa có liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp ổn định, từ đó làm ảnh hưởng đến tâm lý của người sản xuất.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Thị Ven cho biết: “Hướng Lập là một xã khó khăn, mặc dù được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, của chương trình giảm nghèo bền vững để phát triển một số mô hình sản xuất trên địa bàn nhưng hiệu quả đem lại chưa cao.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là thay đổi tập quán sản xuất, vì vậy đòi hỏi quá trình thực hiện phải có sự đồng bộ, thống nhất giữa người sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất. Trình độ của người dân còn thấp, tiếp thu khoa học kỹ thuật hạn chế nên việc duy trì các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả chưa cao…”.

Bà con Bru Vân Kiều huyện Đakrông học kỹ thuật trồng cây cà phê. (Ảnh tư liệu)
Bà con Bru Vân Kiều huyện Đakrông học kỹ thuật trồng cây cà phê. (Ảnh tư liệu)

Sau một thời gian triển khai trên địa bàn tỉnh, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã tạo sự ổn định và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ nghèo. Việc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình, mua sắm máy móc, công cụ hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và điều kiện thực tế của các hộ nghèo, giúp họ có điều kiện tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm thay đổi tập quán sản xuất đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Theo thống kê của ngành chức năng đối với các mô hình hỗ trợ từ năm 2018 và các năm trước đây cho thấy, có 70% hộ nghèo đã thoát nghèo nhờ một phần hỗ trợ từ chương trình, dự án, từ đó góp phần quan trọng vào giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Song song với những kết quả đạt được, do mỗi dự án, chương trình đầu tư trên địa bàn tỉnh có những cách tiếp cận, tiêu chí, điều kiện và cách thực hiện riêng nên việc lồng ghép các dự án, chương trình kinh tế - xã hội khác vào chương trình mục tiêu giảm nghèo còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực của địa phương để lồng ghép hỗ trợ cùng với chương trình giảm nghèo chưa nhiều và khó thực hiện.

Kinh phí thực hiện chương trình một số nơi còn mang tính dàn trải, chưa tập trung, trong khi đó nguồn lực hỗ trợ còn hạn chế (bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/xã/năm). Mặt khác, nguồn kinh phí hỗ trợ dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn thấp, định mức hỗ trợ cho người nghèo tham gia dự án thấp, ngắn hạn, do đó chưa tạo động lực cho người nghèo nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhiều giải pháp đã được tỉnh đưa ra trong thời gian tới với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân…

Trong đó, quan tâm huy động sự tham gia vào công tác giảm nghèo của các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể và tổ chức từ thiện dưới hình thức phù hợp. Tăng cường sự tham gia của người dân vào mọi hoạt động giảm nghèo.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức của người dân trong giảm nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo phát huy khả năng của bản thân, gia đình chủ động vươn lên vượt qua nghèo khó, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước.

Tập trung ưu tiên thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp cùng nhau liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và kết nối thị trường, đảm bảo tính bền vững của các mô hình…

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.