Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tăng cường hỗ trợ phụ nữ và trẻ em vùng núi

PV - 15:40, 13/02/2023

Nhằm cải thiện đời sống cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị đang đồng loạt triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Trong đó có vai trò không nhỏ của hội phụ nữ các cấp triển khai các biện pháp thực hiện hỗ trợ sinh kế phát triển bền vững, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của phụ nữ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em.

Trường Tiểu học Linh Trường, huyện Gio Linh ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” - Ảnh: T.H
Trường Tiểu học Linh Trường, huyện Gio Linh ra mắt Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” - Ảnh: T.H

Trong năm 2022, các cấp hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) đã nỗ lực, phát huy vai trò cơ quan chủ trì tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện Dự án 8. Ban Điều hành dự án tỉnh đã lựa chọn xã A Dơi, huyện Hướng Hóa và xã Hướng Hiệp, Đakrông là những xã chỉ đạo điểm của Dự án. Với triển khai các hoạt động Dự án 8, các cấp hội đã tăng cường vận động các nguồn lực để thực hiện thông qua các chương trình, dự án.

Cụ thể, từ chương trình “Đồng hành với phụ nữ biên cương”, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn, Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức Chương trình “Xuân Biên cương - Ấm lòng dân bản” tại 6 xã biên giới huyện Hướng Hóa với tổng kinh phí 779 triệu đồng; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh giải ngân vốn hỗ trợ cho 10 hộ phụ nữ khó khăn của thôn Pire, xã A Bung, huyện Đakrông phát triển sinh kế với số tiền 100 triệu đồng.

Phối hợp với Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, Hội LHPN huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Hội LHPN Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Hội LHPN và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương tại xã A Dơi, xã Thanh và xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa với tổng kinh phí đồng hành gần 1,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức các hoạt động đồng hành với tổng kinh phí trên 675 triệu đồng, triển khai vận động các tổ chức, đối tác hỗ trợ mô hình sinh kế, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch, hỗ trợ nguồn vốn, tặng quà, nhắn tin ủng hộ với tổng kinh phí huy động các nguồn lực hơn 3,2 tỷ đồng.

Để tạo sinh kế cho phụ nữ vùng đồng bào DTTS, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với tổ chức Cây Hòa bình Việt Nam tại Quảng Trị hỗ trợ giống dê cho 30 hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn của xã Xy, Lìa, Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa và hỗ trợ xây dựng mô hình trồng chuối lùn bản địa tại xã Tà Long, huyện Đakrông cho 10 hộ gia đình với tổng trị giá hơn 450 triệu đồng.

Hội LHPN Quảng Trị xác định xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Hội
Hội LHPN Quảng Trị xác định xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Hội

Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng, hội đã cấp 9.750 con gà giống và 8.472 con ngan cho 743 hộ dân xã Lìa, xã Thuận, huyện Hướng Hóa. Song song với hỗ trợ cây, con giống, hội cũng đã phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng chuối lùn, kỹ thuật nuôi dê, gà, ngan… cho hội viên phụ nữ. Đây được xem là giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phát huy hiệu quả cao và mang tính bền vững.

Tranh thủ sự hỗ trợ từ Tổ chức Plan International Việt Nam, Hội LHPN tỉnh triển khai Dự án “Bình đẳng giới và nâng cao vị thế phụ nữ và trẻ em gái DTTS tại Quảng Trị - GEM”. Dự án được triển khai trong 5 năm từ 2022 - 2026 với tổng kinh phí: 9,4 tỷ đồng, tại 5 xã thuộc huyện Hướng Hóa.

Đến nay, hội đã kiện toàn, củng cố 10 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (viết tắt là CoC), tổ chức 5 sự kiện truyền thông về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực cho hội viên phụ nữ và trẻ em từ 11 - 15 tuổi với trên 500 người tham gia; mở 5 lớp tập huấn về giới cho các câu lạc bộ CoC trẻ em trai thu hút gần 100 em tham gia và 5 khóa tập huấn cho nữ thanh niên từ 18 - 24 tuổi về phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới với sự tham gia của 128 nam, nữ thanh niên.

Để giúp nâng cao kỹ năng tuyên truyền, vận động phụ nữ, đặc biệt phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nâng cao nhận thức, tích cực tham gia học nghề, hội Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức diễn đàn, nói chuyện chuyên đề về cơ hội học nghề, có việc làm và tập huấn nâng cao năng lực cho 120 cán bộ hội phụ nữ và truyền thông viên các cấp về hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề cho phụ nữ và người dân sinh sống trên địa bàn huyện Đakrông.

Với nhiều cách làm sáng tạo, Hội LHPN tỉnh trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ và trẻ em vùng DTTS trong phát triển kinh tế trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân, tương ái.

Thông qua Dự án 8 tạo điều kiện thuận lợi để hội LHPN các cấp thúc đẩy chăm lo đến đối tượng yếu thế như phụ nữ và trẻ em DTTS, những người còn chịu nhiều thiệt thòi, rào cản xã hội nặng nề. Đồng thời, thúc đẩy quyền và trao cho họ cơ hội vươn lên, khẳng định vai trò chủ thể của mình trong tham gia xây dựng cộng đồng, phát triển đất nước bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.