Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Thay đổi nhận thức của người dân về trồng rừng

T.Nhân - H.Trường - 20:34, 31/03/2024

Thời gian này, về các huyện miền núi của Quảng Ngãi dễ dàng bắt gặp màu xanh của những cánh rừng gỗ lớn kéo dài qua nhiều quả đồi. Đó là thành quả bước đầu của việc người dân liên kết trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn của chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council - Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm 1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới).

Có thể nói, trồng rừng theo chứng chỉ FSC đã mở ra hướng đi mới, góp phần quản lý và phát triển rừng bền vững, đem lại hiệu quả xã hội, hiệu quả kinh tế cho người trồng rừng. Mô hình này cũng phù hợp với chủ trương trồng rừng gỗ lớn mà tỉnh Quảng Ngãi đang khuyến khích người dân thực hiện.

Ở huyện miền núi Trà Bồng, lâm nghiệp được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Do đó, huyện tập trung vận động người dân trồng cây gỗ lớn, trồng rừng đáp ứng tiêu chuẩn FSC, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ lâm sản, hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.

Các địa phương ở Quảng Ngãi tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC
Các địa phương ở Quảng Ngãi tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC

Đơn cử như tại xã Trà Bình, những năm qua, xã tập trung khuyến khích người dân, nhóm hộ phát triển, chuyển đổi từ rừng trồng keo sang rừng trồng cây gỗ lớn, quý hiếm và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Từ 5 năm trước, gia đình ông Phạm Ngọc Thông ở thôn Bình Thanh (Trà Bình) đã chuyển một phần diện tích trồng keo sang trồng cây sến.

Theo ông Thông, cây sến có đặc điểm thân thẳng, cao, ít tán, gỗ chắc, thích hợp xẻ đà làm nhà. Một cây gỗ sến trên 5 năm tuổi có giá trên 4 triệu đồng. “Khi trồng cây gỗ lớn thì dưới tán rừng có thể trồng các loại cây ngắn ngày như thơm, ớt, gừng gió… Từ đó có thêm thu nhập thường xuyên. “Thấy được lợi ích từ trồng cây gỗ lớn, tôi đang mở rộng diện tích rừng trồng cây gỗ lớn, đồng thời triển khai ươm cây giống để bán”, ông Thông chia sẻ thêm.

Bên cạnh việc khuyến khích người dân, tổ chức trồng cây gỗ lớn, huyện Trà Bồng cũng đang triển khai trồng rừng đáp ứng tiêu chuẩn FSC, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản. Ông Hồ Văn Kim, thôn 5, xã Trà Thủy có 6 ha rừng keo được trồng, bảo vệ theo tiêu chuẩn FSC. Ông Kim cho biết: Khi được chính quyền vận động trồng rừng theo tiêu chí FSC, tôi và gia đình cũng rất lo lắng. Vì khi trồng rừng theo tiêu chí này phải tuân thủ nhiều quy định như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì… Đây là những việc tôi và bà con ở đây chưa từng làm khi trồng rừng.

Tại huyện Minh Long, cùng với trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC, chính quyền cũng khuyến khích người dân tăng cường trồng cây bản địa như lim xanh, sao, sến... để tạo hàng rào chắn gió giữ đất, cũng như khôi phục hệ sinh thái cho rừng sản xuất. Ông Đinh Văn Chanh, thôn Làng Xinh, xã Sơn Linh chia sẻ: Đầu năm 2023, huyện Sơn Hà có chủ trương trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC, tôi cũng băn khoăn, lo lắng nhiều vấn đề. Đó là nếu kéo dài tuổi rừng đủ 5 năm trở lên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, vì thu nhập bị thiếu hụt; hay chỉ trồng từ 2.700 - 3.000 cây/ha (thay vì 8.000 - 10 nghìn cây/ha như lâu nay) thì rừng thưa ít gỗ...

“Sau nhiều lần được cán bộ kỹ thuật giải thích, tôi nghiệm ra rằng, cây keo đủ 5 năm tuổi trở lên thì lượng gỗ cũng sẽ nhiều hơn, giá trị rừng sẽ cao hơn. Vì vậy, không chỉ mạnh dạn tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 7ha, tôi còn vận động các hộ xung quanh cùng trồng. Đến nay, đã có 20 hộ tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC”, ông Chanh cho biết.

Người dân Quảng Ngãi đã dần thay đổi nhận thức về trồng rừng
Người dân Quảng Ngãi đã dần thay đổi nhận thức về trồng rừng

Bên cạnh hiệu quả kinh tế và môi trường, việc trồng và quản lý rừng theo tiêu chuẩn FSC góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh (Sơn Hà) Đinh Văn Bum cho biết: Liên kết trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC không chỉ giúp người dân yên tâm về đầu ra và hiệu quả kinh tế cao hơn từ 25 - 30% so với phương thức truyền thống, mà còn thay đổi thói quen trồng, khai thác rừng của người dân, từng bước tiến đến chấm dứt nạn bán keo non. Đặc biệt, những lô rừng được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn FSC có sự chuyển biến trong hệ sinh thái của rừng qua việc trở lại của một số loại côn trùng có lợi hay chim chóc.

Các doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh liên kết với người dân để mở rộng diện tích trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Ông Hà Phan Đình Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Nhất Hưng Sơn cho biết: Để liên kết với hơn 1.000 hộ dân ở các xã Sơn Linh, Sơn Cao, Sơn Bao, Sơn Kỳ (Sơn Hà) trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, với diện tích khoảng 3.000ha, công ty thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí từ 2 - 7 triệu đồng/ha (tùy tuổi rừng) và cam kết thu mua toàn bộ sản lượng gỗ với mức cao hơn 10% trở lên. Ngoài ra, toàn bộ chi phí tư vấn, đánh giá và duy trì các tiêu chuẩn FSC do DN hỗ trợ 100%. Thời gian đến, công ty tiếp tục liên kết, mở rộng diện tích trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC đạt trên 10 nghìn héc ta, đảm bảo DN xoay vòng nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Châu Âu mỗi năm.

Trao đổi với phóng viên, Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cho hay: Để nâng cao giá trị của rừng trồng, bảo vệ môi trường cũng như gia tăng thu nhập cho người dân, ngành nông nghiệp khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư liên kết với người dân, hình thành và phát triển vùng nguyên liệu rừng bền vững đáp ứng các tiêu chuẩn FSC, PEFC (Hệ thống chứng chỉ quản lý rừng bền vững), VFCS (Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia). Tiếp tục tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân về trồng rừng. Qua đó, hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, nhằm ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thực hiện đạt mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 có 20 nghìn héc ta rừng đạt chứng chỉ FSC và 40 nghìn héc ta vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.