Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Quảng Ngãi: Mưa lũ gây sạt lở nhiều nơi

T.Nhân - 05:41, 18/11/2023

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường ở huyện miền núi Quảng Ngãi bị sạt lở, với khối lượng đất đá lớn tràn lấp mặt đường, gây chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng
Nhiều tuyến đường ở các huyện miền núi Quảng Ngãi bị sạt lở nghiêm trọng

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, sau đợt mua lớn, trên địa bàn các huyện miền núi có hàng trăm điểm sạt lở ta luy, đất đá tràn ra mặt đường, lấp rãnh thoát nước trên Quốc lộ 24, 24B, 24C và các tuyến tỉnh lộ với khối lượng hơn 7.000 m3. Nhiều vị trí vẫn đang bị ngập nước như: Cầu Sơn Kỳ, Tràn Thạch Nham Km19+700, DT.623B... gây tắc giao thông.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn có mưa lớn, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở. Ngành Giao thông tỉnh đã chỉ đạo 7 Hạt giao thông trực thuộc tổ chức ứng trực 24/24 giờ tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, bố trí phương tiện thu dọn bùn đất, thông tuyến khi xảy ra sạt lở.

Bên cạnh đó, chính quyền tiến hành cắm các biển cảnh báo, hướng dẫn giao thông tại các vị trí ách tắc, nguy hiểm, các vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động phòng tránh khi lưu thông qua khu vực.

Ông Đinh Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua đã làm cho nhiều tuyến giao thông trên địa bàn bị sạt lở, hư hỏng. Trong 3 ngày qua, địa phương ghi nhận có khoảng 5 điểm sạt lở lớn, nhỏ. Tại thôn Đăk Lang, mưa lớn làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đường vào xóm Ra Lung khiến 20 hộ dân tại đây bị cô lập. Chính quyền địa phương đang khẩn trương phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành khắc phục sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn cho người dân.

Sạt lở đất đá tràn ra đường, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn
Sạt lở đất đá tràn ra đường, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn

Còn tại xã Sơn Liên, một ngọn đồi đã bất ngờ bị sạt lở, hơn 10.000 m3 đất đá đổ ập xuống Tỉnh lộ 623 (đoạn qua thôn Nước Vương) gây ách tắc giao thông. Rất may, vào thời điểm sạt lở, đoạn đường này đường vắng, nên không gây thiệt hại về người.

Theo ông Trần Minh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn Liên, sau khi sạt lở xảy ra, địa phương đã huy động các lực lượng và phương tiện, dọn dẹp lượng đất, đá đổ xuống đường. Đồng thời, đặt biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, khuyến cáo người dân không tham gia lưu thông. Dự kiến đến hết hôm nay, công tác khắc phục mới cơ bản hoàn thành.

Trong khi đó, tại huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), dù mưa đã giảm nhưng do nước ở thượng nguồn đổ về nên mực nước ở các suối vẫn còn cao. Tại cầu Thạch Nham, cầu Sơn Kỳ, cầu Sơn Giang - Sơn Linh, cầu Tầm Linh - Sơn Linh và một số cầu nhỏ tuyến ĐH72 Sơn Nham đi Sơn Linh, ĐH76 Sơn Nham... vẫn ngập sâu trong biển nước. Giao thông tại các khu vực chưa thể thông suốt.

Tại xã Sơn Bao, mưa lớn trong những ngày qua gây sạt lở hơn 50 m bờ Taluy đường liên thôn Mang Nà - Nước Bao. Chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo, lập rào chắn không cho người dân qua lại khu vực này.

Còn tại tuyến đường giao thông liên xã Ba Dinh - Ba Giang (huyện Ba Tơ) bị sạt lở ta luy dương; đường Ba Nam - Ba Bích bị sạt lở mái ta luy dương và kéo theo một lượng lớn đất đá tràn xuống đường.

Đường ĐT 626 từ thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) đi xã Hương Trà (huyện Trà Bồng) xảy ra 7 điểm sạt lở núi, bờ Taluy kéo theo một lượng lớn đất đá vùi lấp mặt đường. Nặng nhất là tại tổ dân phố Nước Nia, thị trấn Di Lăng mưa lớn trong ngày 14/11 khiến 1.500 m3 đất đá từ trên đồi cao tràn xuống lòng đường gây chia cắt, khiến người và các phương tiện không thể lưu thông.

Khu vực dưới chân núi Van Cà Vãi, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà đang có nguy cơ sạt lở
Khu vực dưới chân núi Van Cà Vãi, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà đang có nguy cơ sạt lở

Đặc biệt tại khu vực dưới chân núi Van Cà Vãi, thị trấn Di Lăng, huyện miền núi Sơn Hà đang có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến an toàn của 25 hộ dân sống tại khu vực này. Đây đã là mùa mưa thứ 4 liên tiếp, người dân nơi đây phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì có thể bị đất đá vùi lấp bất cứ lúc nào.

Được biết, năm 2021, trước tình thế cấp bách, huyện Sơn Hà đã bố trí kinh phí để san ủi, hạ cao độ và khắc phục tạm thời một số vị trí có khả năng sạt trượt từ đỉnh núi, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân phía dưới. Tuy nhiên, do kinh phí bố trí hạn hẹp, không đủ để khắc phục triệt để, nên tình trạng sạt lở lại tiếp tục xảy ra.

Hiện tại, nhiều vị trí nứt toác mới trên thân núi đã được ghi nhận, một phần Taluy dương đã bị trượt, khả năng cao sẽ xảy ra sạt lở nếu trời tiếp tục mưa nặng hạt trong thời gian tới. Do vượt khả năng của địa phương nên UBND huyện Sơn Hà đã có báo cáo và chủ động kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét, quan tâm hỗ trợ kinh phí khắc phục.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.