Những năm qua, tỉnh Quảng Nam đặc biệt chú trọng tới việc chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho đồng bào DTTS. Theo đó, ngày 12/1/2022, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào DTTS giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho đồng bào DTTS.
Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 hơn 48,8 tỷ đồng. Đến nay đồng bào DTTS tại các xã biên giới được cấp hơn 245.178 thẻ BHYT, đạt hơn 95%.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ BHYT đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025 đã thể hiện sự quan tâm xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam đối với đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
Song song đó, công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ y tế đã góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân, giúp đồng bào DTTS có sức khỏe, yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững.
Bà Bhling Thị Nhơơnh, ở xã biên giới Ch’ơm cho hay: Chúng tôi là người dân thuộc hộ nghèo nên gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, nhờ được cấp thẻ BHYT, chúng tôi đã có điều kiện đi khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện. Qua thăm khám, người dân chúng tôi được cấp phát thuốc và được chuyển tuyến trên để chữa bệnh miễn phí nếu bệnh nặng.
Ghi nhận tại huyện Tây Giang, Trung tâm Y tế huyện cũng là bệnh viện tuyến cơ sở miền núi đầu tiên được Bệnh viện Đà Nẵng chọn làm bệnh viện vệ tinh theo đề án của Bộ Y tế giúp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân miền núi.
Bác sĩ Nguyễn Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết: Những năm gần đây, đơn vị liên tục đón những ca cấp cứu nặng, đa số đều trong tình trạng nguy kịch. Mặc dù là trung tâm y tế miền núi còn nhiều khó khăn, song bằng tinh thần “tất cả vì người bệnh”, các y bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã không ngừng nỗ lực, kịp thời cứu sống hàng trăm bệnh nhân nguy kịch trước khi chuyển lên tuyến trên. Đây thực sự là cố gắng rất lớn của chúng tôi, trong điều kiện của một bệnh viện tuyến cơ sở ở miền núi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn...
Có thể thấy, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã quan tâm, làm tốt công tác sự chăm sóc sức khỏe đối với đồng bào DTTS, nhất là đồng bào DTTS thuộc vùng biên giới. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ghi nhận tại huyện Tây Giang, Trung tâm Y tế huyện cũng là bệnh viện tuyến cơ sở miền núi đầu tiên được Bệnh viện Đà Nẵng chọn trở thành bệnh viện vệ tinh theo đề án của Bộ Y tế giúp hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân miền núi”.